
Phát huy thế mạnh địa phương cùng với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa sản phẩm nông nghiệp từng bước góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Những năm gần đây Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Thành (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó mô hình trồng cây cỏ ngọt theo hướng hữu cơ đã và đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương nơi đây.
Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thấy cỏ ngọt là loại cây trồng một lần có thể cho thu hoạch trong vòng 03 năm, loài cây dược liệu này dễ chăm sóc, không mất quá nhiều công sức, sau khi thu hoạch, cây tiếp tục sinh trưởng phát triển và không phải trồng lại thường xuyên. Thời vụ trồng cỏ ngọt thích hợp nhất là vụ thu đông và vụ xuân hè. Vùng đất lựa chọn để trồng phải có thành phần cơ giới nhẹ, chủ động tưới và tiêu, nhưng không chịu úng, nếu ngập úng khoảng 16 tiếng cây sẽ chết. Nhận thấy, cây trồng này phù hợp với đồng đất nơi đây, nên Hợp tác xã đã vận động chị Nguyễn Thị Tương thành viên hợp tác xã mạnh dạn triển khai mô hình trồng cây cỏ ngọt, với quy mô khoảng 2,5 ha, tại cánh đồng Ninh Đồng thuộc HTX NN Thắng Thành. Sau gần một năm triển khai đến nay cho thu hoạch được 02 lứa.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tương thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Thành là chủ mô hình trồng cây cỏ ngọt cho biết, trước đây với khoảng 2.5 ha đất trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, từ khi chuyển sang trồng cỏ ngọt gia đình nhận thấy nguồn thu nhập tăng đáng kể. Về tốc độ sinh trưởng khoảng 45-50 ngày cho thu hoạch một lần, với diện tích 2.5 ha mỗi lần thu hoạch khoảng hơn 02 tấn/lứa cỏ ngọt khô, với mức giá 60.000.000đồng/tấn, lợi nhuận thu về khoảng 60.000.000đồng/lứa, hiệu quả kinh tế đem lại lớn hơn trồng lúa rất nhiều. Hiện nay, Hợp tác xã đã chế biến thành sản phẩm trà cỏ ngọt đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với bán cỏ ngọt tươi. Về đầu ra của sản phẩm, hiện nay gia đình đang bán cho các thương lái và một số đơn vị tỉnh ngoài, chưa có hợp đồng cụ thể nên đầu ra chưa ổn định, rất mong hợp tác xã và các ban ngành tạo điều kiện liên kết tìm kiếm nguồn tiêu thụ ổn định, để các thành viên yên tâm trồng và nhân rộng mô hình cỏ ngọt tại địa phương.
Chia sẻ về mô hình, ông Đinh Văn Vân, Giám đốc HTX NN Thắng Thành cho biết, năm nay là năm đầu tiên thực hiện mô hình trồng cây cỏ ngọt, kết quả cho thấy việc trồng cây cỏ ngọt đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho thành viên. Nếu người dân chăm sóc, đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn thì trồng 1 ha cỏ ngọt cho thu nhập khoảng gần 300 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, 1 ha cho lợi nhuận từ 140 – 150 triệu đồng. Hơn nữa, từ năm thứ 2 trở đi, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng và cho thu hoạch 3 năm mới phải trồng lại, nên giảm chi phí đầu tư ban đầu...
Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Thành đang đề xuất chính quyền địa phương và các sở ban ngành tạo điều kiện hỗ trợ trang thiết bị máy móc, xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm và hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm đồng thời có chính sách khuyến khích mở rộng diện tích trồng cây cỏ ngọt trong thời gian tới để thành viên yên tâm sản xuất và nhân rộng mô hình, bởi đây là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất của địa phương./.
Nguyễn Hường, Phòng Nghiệp vụ
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?