
Một ngày đầu xuân, theo đoàn công tác xuống thăm hợp tác xã tiêu biểu, bên chén trà nóng, nghe Hội đồng quản trị hợp tác xã nói về quá trình đưa giống lúa ngon nhất thế giới về với đồng đất quê hương, không khỏi cảm thán sự yêu đất, hiểu đất của những con người sinh ra và lớn lên từ luỹ tre làng….
Cơ duyên giống lúa ST25 đến với đồng đất Chất Bình từ vụ đông xuân 2019 – 2020 khi ông Hoàng Ngọc Mây – Giám đốc HTXNN Cộng Thành đặt mua giống lúa ST25 của Công ty giống cây trồng Sóc Trăng để trồng thử nghiệm trên 3 sào ruộng của gia đình.
Vụ thứ nhất với những đánh giá ban đầu cho thấy ST25 có khả năng thích ứng và khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của đồng đất nơi đây. Tiếp đó, một số hộ dân tập trung thực hiện mô hình trình diễn giống lúa thuần ST25 với quy mô 0,5 héc ta. Là giống lúa mới, nguồn cung ứng giống trên thị trường chưa rộng rãi, giá thành cao hơn các loại lúa giống khác bà con nông dân tự để giống gieo trồng các vụ tiếp nên độ đồng đều không cao, có hiện tượng phân ly, lẫn giống, năng suất vẫn chưa đạt như mong muốn.
Khắc phục vấn đề này, Chi cục Trồng trọt&BVTV tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện kết nối, tạo điều kiện để HTXNN Cộng Thành được cung ứng 500 kg giống lúa chuẩn "xác nhận 1" gieo cấy hơn 70 ha và sau những vụ cấy thử nghiệm bà con nông dân đã nắm vững quy trình, kỹ thuật gieo cấy, ưu điểm và nhược điểm của giống lúa ST25 đã mang lại những vụ mùa bội thu.
Qua thực tế gieo trồng 4 vụ tại HTXNN Cộng Thành và theo đánh giá của ngành chuyên môn, ST25 nằm trong nhóm giống lúa thơm đặc sản chất lượng cao, thích nghi trên đất mặn rất tốt. Chịu lạnh tốt, chịu phèn khá. Giống có khả năng đẻ nhánh khỏe, thời gian đẻ nhánh tập trung; khả năng chống chịu sâu bệnh khá, với sâu cuốn lá nhỏ, rầy, khô vằn, bạc lá hay đạo ôn lá…giống lúa này chỉ nhiễm nhẹ, không ảnh hưởng đến năng suất; bông lúa trỗ thoát, khoe bông, xếp hạt thưa, số hạt/bông cao, chịu được thâm canh, phù hợp với đồng đất và tập quán canh tác của nông dân trong huyện. ST25 tuy khá cứng cây nhưng vẫn cần bón cân đối, ít đạm, lân và nhiều kali hơn lúa thường. Trong cùng một điều kiện sản suất, giống ST25 cho năng suất cao hơn các giống lúa thuần mà nông dân đang sản xuất đại trà. Vụ động xuân 2024 năng suất lúa ST25 tại HTXNN Cộng Thành đạt 69 tạ/ha, vụ mùa nhiều diện tích lúa mùa trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 7, số 8 và hoàn lưu bão nhưng diện tích lúa ST25 tỷ lệ lúa gãy đổ cũng như hao hụt thấp nên năng suất lúa ST25 vẫn đạt 59,32 tạ/ha.
Bên cạnh đó, ST25 hội tụ đủ “hương sắc” theo thị hiếu người tiêu dùng hiện nay về tiêu chuẩn gạo thơm mùi lá dứa xen lẫn mùi cốm tự nhiên nhè nhẹ, cơm ngon trắng và dẻo; đây cũng là giống lúa liên tiếp đạt các giải nhất, nhì cuộc thi "Gạo ngon thế giới" các năm 2019, 2020 tại Philipines và Mỹ nên có sức hút mạnh trên thị trường. Hiện, thương lái đến tận ruộng thu mua lúa ST25 cho bà con với giá 7.200 đồng/1kg lúa tươi, 9.000 đồng/kg lúa khô và gạo được xuất bán với giá 22 – 25.000 đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân.
Từ việc trồng thử nghiệm với diện tích 0,5 ha, tiếp đó là 70 ha, với những ưu điểm vượt trội, được người tiêu dùng ưa chuộng, trong thời gian tới HTXNN Cộng Thành tiếp tục quy hoạch gọn vùng để mở rộng diện tích lên đến 80 – 90% diện tích. Nguồn lúa giống sẽ có 2 nguồn: một là chọn lọc từ những diện tích lúa gieo cấy giống ST25 "xác nhận 1" cấy trong vụ vừa qua để cấy, hai là HTXNN nhập từ các cơ sở sản xuất giống uy tín về cung ứng cho bà con nông dân với giá bán 50.000/1kg lúa giống. Cùng đồng hành với nhân dân, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn sẽ quan tâm khuyến cáo nông dân về thời vụ, cách chăm bón, phòng trừ sâu bệnh; theo dõi, chọn lọc, đánh giá độ thuần của giống và khả năng chống chịu các đối tượng sâu bệnh ở các vụ. Thực tế gieo trồng cho thấy thời gian sinh trưởng của ST25 dài ngày hơn các giống lúa khác nên cũng cần quy hoạch gọn vùng và gieo cấy đồng giống, đồng trà thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
ST25 giống lúa có "Gạo ngon nhất thế giới" với những ưu điểm vượt trội đã “bén duyên” với xứ đồng Cộng Thành 5 năm qua, hy vọng sẽ sớm được mở rộng đến các xứ đồng của vùng đất ven biển Kim Sơn, để người dân được thưởng thức thứ gạo ngon, nhất nhì thế giới được sản xuất ngay tại địa phương với giá thành hợp lý.
Nguyễn Phượng- Phòng Tuyên truyền
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?