Mới đây, ông Bùi Đức Ngọc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cho rằng: Khu vực kinh tế tập thể và HTX đang là “vùng trũng” chuyển đổi số. Từ chính bản thân HTX tiếp cận chuyển đổi số, đến quá trình các cơ quan tư vấn hỗ trợ HTX tổ chức thực hiện chuyển đổi số đều rất khó khăn...
Tính đến 30/9/2024, toàn tỉnh Ninh Bình có 552 tổ hợp tác (THT), tăng 17 THT so với cuối năm 2023. Ngoài 2 liên hiệp HTX là đơn vị thành viên, thì trong tổng số 527 HTX (tăng so với cuối năm 2023 là 24 HTX) có 418 HTX nông nghiệp (212 HTX dịch vụ nông nghiệp và 202 HTX chuyên ngành nông nghiệp), 70 HTX phi nông nghiệp, 39 quỹ tín dụng nhân dân. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Ninh Bình đã tư vấn thành lập mới 24 HTX.
Tập huấn chuyển đổi số vào quản lý điểu hành HTX ở tỉnh Ninh Bình
Chuyển đổi số trong bức tranh HTX
Theo báo cáo gần đây nhất của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng phát triển, doanh thu và lợi nhuận tăng hơn với cùng kỳ năm trước; các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị đang phát huy hiệu quả, đã vận động tiến hành giải thể và đang hoàn thiện quy trình giải thể một số HTX có quy mô nhỏ, ngừng hoạt động đảm bảo theo quy định. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kinh tế tập thể, HTX, xây dựng kế hoạch và tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động chung của lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Qua thống kê trên toàn tỉnh hiện có 62 HTX và 2 liên hiệp HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Một số HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã tạo nên các sản phẩm mang giá trị hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chí quốc gia (OCOP), chất lượng, thương hiệu được nâng lên, quan tâm công đoạn bảo quản, chế biến, xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Đến nay, ở tỉnh Ninh Bình đã hình thành được một số chuỗi sản phẩm như chuỗi các sản phẩm dược liệu; chuỗi rau, củ, quả an toàn; chuỗi các sản phẩm dê, gà, lợn thảo dược; chuỗi chạch sụn; chuỗi gạo chất lượng cao, bột rau má, mật ong, ốc nhồi, hươu nai... với lợi ích mang lại cho thành viên là chi phí đầu vào thấp, chất lượng sản phẩm cao, giá bán và thu nhập tăng trên 25-35%, hoạt động của HTX năng động, sáng tạo, hiệu quả hơn.
Trong bức tranh sáng sủa của khu vực HTX đó, ông Bùi Đức Ngọc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cho rằng, khu vực kinh tế tập thể và HTX đang là "vùng trũng" chuyển đổi số. Mặc dù, so với nhiều tỉnh lân cận, khu vực kinh tế tập thể, HTX ở Ninh Bình được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành đặc biệt quan tâm hơn, song từ chính bản thân HTX tiếp cận chuyển đổi số, đến quá trình các cơ quan tư vấn hỗ trợ HTX tổ chức thực hiện chuyển đổi số đều rất khó khăn…
Cũng theo ông Bùi Đức Ngọc, thực hiện Nghị quyết 01 ngày 20/4/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 106 ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và ban hành Kế hoạch 219 ngày 2/8/2021về chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX, cơ bản đề ra được các mục tiêu, giải pháp phù hợp với định hướng của tỉnh cũng như thực tiễn phát triển HTX trên địa bàn tỉnh.
HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) gắn tem truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm.
Những khó khăn chuyển đổi số HTX
Bên cạnh một số kết quả hàng năm về công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình tập trung cao độ công tác tư vấn hỗ trợ HTX về chuyển đổi số.
Kết quả đến nay đã hỗ trợ xây dựng chuyển giao cho 11 HTX phần mềm quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng chuyển giao website cho 13 HTX từ nguồn vốn của tỉnh cấp theo đề án phát triển kinh tế tập thể. Đặt hàng với Sở KH&CN xây dựng chuyển giao mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 3 HTX sản xuất thảo dược từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh.
Liên minh HTX tỉnh đang triển khai nhiệm vụ "Xây dựng và triển khai giải pháp quản lý sản xuất và kết nối thị trường phục vụ chuyển đổi số cho HTX" từ nguồn vốn chuyển đổi số của tỉnh, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024. Đồng thời đang triển khai xây dựng chuyển giao hệ thống giải pháp IoT trong hoạt động nuôi trồng thủy sản cho 5 HTX trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn theo đề án phát triển kinh tế tập thể của tỉnh.
Đề cập đến những khó khăn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bùi Đức Ngọc thốt lên "Tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp khó một thì với HTX còn khó gấp mười lần". Cụ thể, những khó khăn, vướng mắc gặp phải trước hết về nhận thức của HTX về chuyển đổi số còn hết sức hạn chế, chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của HTX. Phần lớn HTX hoạt động theo mô hình truyền thống, tư duy lối mòn.
Khó hơn nữa là đa số thành viên HTX tuổi đời cao, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin và những kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số còn hạn chế, không có khả năng ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử và các phần mềm, tiện ích trong hoạt động sản xuất kinh doanh…Trong khi chưa có một nền tảng hệ sinh thái số dùng chung cho các HTX để giúp HTX tận dụng, tiếp cận đúng hướng, nhanh và hiệu quả hơn với quá trình chuyển đổi số.
Thực tế ở Ninh Bình chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các sở ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương đối với công tác hướng dẫn, hỗ trợ các HTX trong hoạt động chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sánh hỗ trợ của nhà nước trong hoạt động chuyển đổi số cho HTX còn nhiều bất cập; việc tiếp cận các nguồn kinh phí hỗ trợ trong đó có nguồn kinh phí chuyển đổi số của tỉnh cho các HTX còn rất khó khăn.
Lưu Đoàn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?