HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Năm, 03/10/2024

Hợp tác xã gốm Bồ Bát: lưu giữ và phát triển nghề truyền thống

Thứ Hai, 30/09/2024

        Ninh Bình là một vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và nhiều làng nghề truyền thống còn lưu tồn đến ngày nay. Một trong những làng nghề được lưu danh là làng gốm cổ Bồ Bát, tương truyền là nơi khởi nguồn của làng gốm Bát Tràng ngày nay.

       Làng gốm Bồ Bát thuộc thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô. Yên Thành là xã miền núi, nằm ở phía tây nam huyện Yên Mô, là nơi đã phát hiện và khai quật di chỉ khảo cổ học Mán Bạc nổi tiếng. Diện tích đất nông nghiệp của xã chiếm trên 50%, đa dạng về loại đất nhưng đặc biệt nhất là có lượng đất sét trắng dồi dào - là cơ sở cho việc hình thành và phát triển làng nghề gốm truyền thống từ xa xưa.

           Theo thời gian cùng thăng trầm của lịch sử, những tưởng Gốm Bồ Bát sẽ mãi chìm vào dĩ vãng thì cách đây gần 15 năm, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi trên thị trường xuất hiện một dòng sản phẩm gốm độc đáo. Từ đó, thương hiệu gốm Bồ Bát đã có mặt nhiều nơi trên thị trường trong nước, là thương hiệu gốm có tiếng cạnh tranh với gốm trong nước và nước ngoài. Người dày công khôi phục lại nghề gốm Bồ Bát là một thanh niên trẻ ở làng Bạch Liên.

          Anh Phạm Văn Vang (SN 1981), là nghệ nhân ưu tú – người hồi sinh nghề gốm Bồ Bát cho biết, khi lớn lên đã được nghe ông, cha kể lại về nghề gốm cổ quê mình. Từ đó, anh có sự đam mê vừa học vừa tìm tài liệu có liên quan đến làng nghề gốm để nghiên cứu. Càng ngày, anh Vang càng say mê với nghề gốm hơn. Bởi vậy, sau khi học xong cấp 3 anh đã quyết định khăn gói ra Bát Tràng (Hà Nội) để học nghề với quyết tâm gây dựng lại nghề gốm quê mình.

         Năm 2018, sau khi được Liên minh hợp tác xã tỉnh tư vấn, hỗ trợ, hợp tác xã gốm Bồ Bát đã được thành lập, đến nay đã có gần 30 lao động, sản phẩm chính là ấm chén, lọ hoa, lộc bình. 

        Từ khi thành lập, hợp tác xã được cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành địa phương hỗ trợ thủ tục và các điều kiện cho thuê đất sản xuất 49 năm; đăng ký và thẩm định, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; hỗ trợ máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng theo chương trình khuyến công, hoạt động xúc tiến thương mại.

        Anh Phạm Văn Vang, cho biết thêm: Mỗi sản phẩm gốm nơi đây đều phải trải qua cả chục công đoạn, từ sơ chế đất cho đến thếp vàng. Qua bàn tay khéo léo của người thợ làm gốm, các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, hình dáng từ phục vụ sinh hoạt đến thẩm mỹ được ra đời như ấm chén, bát đĩa, bình hoa, lọ, chén bát đĩa, tranh mỹ nghệ, tượng gốm nghệ thuật…

          Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã được Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Bình quan tâm tư vấn, hỗ trợ triển khai nhiều chương trình, chính sách như xây dựng thương hiệu thông qua tư vấn xây dựng nhãn, mác, tem truy xuất sản phẩm; đưa sản phẩm tham gia nhiều hội chợ, các hội nghị kết nối cung cầu; hỗ trợ cho vay nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất; tổ chức các lớp đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn của hợp tác xã; tập huấn vệ sinh an toàn lao động, giới thiệu, quảng bá sản phẩm…

          Hiện nay, hợp tác xã gốm Bồ Bát đã khẳng định được thương hiệu của làng nghề truyền thống 3.000 năm, mở ra mô hình mới, hiệu quả với nhiều sản phẩm có mẫu mã đa dạng, có hình ảnh truyền thống địa phương độc đáo, ứng dụng công nghệ mới, giải quyết việc làm, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là vùng nông thôn. 

 

Nguyễn Phượng- Phòng Tuyên truyền

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?