HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Năm, 21/11/2024

Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hợp tác xã

Thứ Sáu, 23/02/2024

Hợp tác xã (HTX) là tổ chức kinh tế mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Có thể nói, ý tưởng Hợp tác xã là một ý tưởng hợp tác kinh tế vĩ đại của các bậc tiền bối. Ý tưởng này đã hình thành một cách hoàn toàn tự nhiên từ những đòi hỏi, nhu cầu thực tế của con người trong các hoạt động kinh tế.

Bác Hồ thăm và nói chuyện với bà con trong tổ đổi công Cầu Thành  xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ năm 1958 (sau này phát triển thành HTX Cầu Thành)

Bác Hồ thăm và nói chuyện với bà con trong tổ đổi công Cầu Thành xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ năm 1958 (sau này phát triển thành HTX Cầu Thành)

Với lời lẽ văn phong trong sáng, giản dị, mộc mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên mục đích, ý nghĩa của việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực; chỉ ra các hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện và cổ vũ, động viên phong trào HTX phát triển. Cho đến nay, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác xã vẫn còn nguyên giá trị. Ngay từ khi còn đang bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến tổ chức kinh tế quan trọng này. Trong Cuốn “Đường Kách mệnh” viết năm 1927, sau khi phân tích những lợi ích của HTX, Người đã nhấn mạnh: “Tục ngữ An Nam có những câu: “Nhóm lại thì giàu, chia nhau thì khó” và “Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại thành hòn núi cao”. Nếu chúng ta đứng riêng ra, thì sức nhỏ, mà làm không nên việc. Thí dụ mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh ở riêng mỗi người một nơi, thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà. Nhóm những cột ấy, tranh ấy, sức ấy, làm ra một cái nhà rộng rãi bề thế rồi anh em ở chung với nhau. Ấy là hợp tác. Lại thí dụ 10 người muốn ǎn cơm, mỗi người riêng một nồi, nấu riêng một bếp, nấu rồi ǎn riêng; ǎn rồi ai nấy dọn dẹp riêng của người nấy, thế thì mất biết bao nhiêu củi, nước, công phu và thì giờ. Hợp tác xã là "góp gạo thổi cơm chung" cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ… Lý luận HTX đều ở trong những điều ấy”. Người còn nói: về tính chất, HTX là tổ chức kinh tế xã hội, nó khác hội buôn vì không thuần túy kinh tế, nhưng lại khác hội từ thiện vì không thuần túy xã hội. Cách tổ chức hợp tác xã phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi và phải đi từ thấp đến cao.
Giải thích về bản chất hợp tác xã, với cách trình bày dễ hiểu, mộc mạc, ai đọc cũng có thể hiểu được, cụ thể như sau: Hạt nhân, trung tâm của hợp tác xã là xã viên; xã viên hợp tác với nhau để có lợi ích thiết thực và vẫn duy trì tính độc lập của mình; xã viên là chủ đích thực của hợp tác xã, là mục tiêu mà hợp tác xã phải phục vụ; hợp tác xã là phương tiện để phục vụ xã viên, phải đảm bảo đem lại lợi ích cho xã viên - thực là “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”; ai không phải là xã viên thì không được hưởng lợi từ hợp tác xã; mọi xã viên đều bình đẳng trong mọi quyết định của hợp tác xã. 
Để trả lời câu hỏi “tại sao cần phải tham gia hợp tác xã?”, Bác Hồ đã đưa ra một ví dụ cụ thể chứng minh, theo đó: người sản xuất, nhất là nông dân được chia sẻ lợi ích phát sinh cả trong quá trình trao đổi, tiêu thụ sản phẩm, tạo tiết kiệm cho xã hội thông qua giảm chi phí trung gian, tạo lợi ích cho người tiêu dùng cuối cùng thông qua giá rẻ. Bác viết: Ngoài Bắc là xứ trồng chè, trong Nam là hay uống chè. Nhưng dân Bắc không đem vào Nam bán, dân Nam không ra tới Bắc mua. Mấy nhà có chè đem bán cho A. hàng chè trong tổng; A đem bán lại cho B, buôn chè trong phủ, ǎn lời một lần. B lại đem bán cho phố C ở tỉnh, ǎn lời hai lần. C bán cho công ty Đ Hà Nội, ǎn lời ba lần. Công ty Đ bán cho công ty E Sài Gòn, ǎn lời bốn lần. Công ty E lại bán cho nhà buôn F các tỉnh, ǎn lời nǎm lần, Nhà buôn F bán sỉ cho phố G các phủ, ǎn lời sáu lần, G bán lẻ cho H, ǎn lời bảy lần. H bán lẻ cho người uống, ǎn lời tám lần. Thế là người làm ra chè thua thiệt, người uống chè cũng thua thiệt. Nếu có hợp tác xã thì tránh khỏi những điều ấy.” 
Là nhà tổ chức thiên tài của cách mạng Việt nam, Bác Hồ đã rất chú ý cách thức tổ chức hợp tác xã, đặc biệt là sự hợp tác - liên kết của các hợp tác xã. Bác nhấn mạnh tính tự giác, tự nguyện, tự chủ và tính hiệu quả của việc thành lập hợp tác xã. Bác chỉ rõ: “Không phải làng nào cũng phải lập mỗi làng mỗi hợp tác xã. Cũng không phải mỗi làng phải lập cả mấy hợp tác xã. Cũng không phải có hợp tác xã này thì không lập được hợp tác xã kia. Chẳng qua theo hoàn cảnh nơi nào lập được hợp tác xã nào, và có khi hai hợp tác xã - mua và bán - lập chung cũng được. Nếu nhiều nơi đã lập thành hợp tác như nhau, thì các hợp tác xã ấy nên liên lạc với nhau, thế lực càng mạnh hơn. Hoặc khi hai hợp tác xã tính chất khác nhau, thì cũng nên liên kết, như một hợp tác xã mua và một hợp tác xã bán.”. Ngày nay, lý luận về hợp tác và liên kết giữa các thành viên, giữa các HTX là yếu tố quan trọng để phát triển các HTX…
Chính nhờ những tư tưởng tiến bộ này mà HTX ở Việt Nam đã dược thành lập, phát triển và hình thành phong trào ngay từ cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã đã đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển chung của đất nước và phát triển kinh tế nông thôn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Trong suốt quá trình đó, Bác Hồ vẫn luôn quan tâm theo dõi phong trào HTX, động viên kịp thời những HTX gương mẫu, những điển hình tiên tiến; đồng thời uốn nắn những HTX còn thiếu sót, lệch lạc. Người đã kêu gọi nông đân, thợ thủ công phải cần kiệm xây dựng HTX và yêu cầu các cấp các ngành phải nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho xã viên, một công tác quan trọng để củng cố HTX. Ngay sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam giành được độc lập, Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến việc phát triển hợp tác xã. Trong bộn bề công việc của đất nước, ngày 11 tháng 4 năm 1946 Bác viết thư kêu gọi điền chủ nông gia Việt Nam tham gia hợp tác xã nông nghiệp, trong thư Bác viết: “Việt Nam là một nước nông nghiệp…nông dân giàu thì nước ta giàu…nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã”, Người tha thiết kêu gọi: “Hỡi đồng bào, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong ước cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi, từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có hợp tác xã”. Và để ghi nhận những thành tựu, sự đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, ngày 27 tháng 7 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1268/QĐ-TTg lấy ngày 11 tháng 4 hàng năm là Ngày Hợp tác xã Việt Nam ... Ngay đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Bác Hồ vẫn dành tình cảm sâu sắc cho phong trào HTX. Ngày 1/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời giới thiệu Điều lệ tóm tắt của HTX nông nghiệp. Trong đó, Người căn dặn: “Điều lệ này của HTX sản xuất nông nghiệp rất quan trọng. Nó nhằm bảo đảm thật sự quyền làm chủ tập thể của các xã viên… Vì vậy, xã viên và cán bộ phải bàn bạc dân chủ để hiểu cho rõ và làm cho đúng…”
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội, Đảng ta chủ chương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Trong đó, phát triển hợp tác xã kiểu mới và các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng; hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới… Chúng ta chăm lo xây dựng, phát triển, củng cố, đổi mới các hình thức kinh tế hợp tác mà HTX là nòng cốt. Trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, tư tưởng về hợp tác xã của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị to lớn và được Đảng ta kế tục, phát triển và hoàn toàn phù hợp với đường lối đổi mới kinh tế tập thể của đất nước./.

Nguyễn Phượng- P tuyên truyền

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?