HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 29/03/2024

Gia Tiến: Niềm vui được mùa dưa bở

Thứ Năm, 04/05/2023

Gia Tiến: Niềm vui được mùa dưa bở

Những ngày này tại xã Gia Tiến (Gia Viễn), bà con nông dân đang tranh thủ ra đồng thu hoạch dưa bở. Năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất dưa bở đạt cao.

Gia Tiến: Niềm vui được mùa dưa bở

Nông dân Gia Tiến tập trung thu hoạch dưa bở.

Dân gian có câu "Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa", nói đến yếu tố tự nhiên tác động đến sản xuất. Điều này rất đúng với người trồng dưa Gia Tiến vụ đông xuân này. Vì vụ này ít mưa, cây dưa sai quả. Dưa bở quả to, không bị nứt, bị vỡ như nhiều năm. 

Trồng dưa đòi hỏi sự cần mẫn, chịu khó bám đồng, bám ruộng, tuy có vất vả nhưng đến vụ thu hái quả, ai nấy đều phấn khởi với thành quả sau 3 tháng chăm sóc. Đang nhanh tay thu hoạch những luống dưa bở đến lứa, ông Mai Văn Trọng vui vẻ cho biết: Vụ này gia đình tôi trồng 5 sào dưa, trong đó 4 sào dưa bở và 1 sào dưa lê. Những ngày này gia đình phải huy động nhân lực ra đồng tranh thủ thu hoạch dưa chín để kịp bán cho thương lái. Dưa là loại cây ưa các loại phân hữu cơ, vì vậy vụ này gia đình tôi chỉ dùng chế phẩm sinh học phun cho cây đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời đây cũng là loại cây ưa đất ẩm nhưng lại dễ bị úng nước. Khi trồng, tôi phủ ni lông kín các luống dưa để chống cỏ, sâu bệnh và hạn chế nước mưa vào gốc cây. Nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi thì chỉ sau 3 tháng trồng cây dưa sẽ cho thu hoạch. 

Năm nay, dưa được mùa, được giá, dự kiến 1 sào đạt năng suất đạt 7-8 tạ, với giá bán cho thương lái 12.000 - 13.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi sào thu được từ 4-5 triệu đồng. Với 5 sào dưa gia đình đã thu về hơn 20 triệu đồng sau 3 tháng trồng, thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Năm ngoái cũng với diện tích như này gia đình tôi chỉ thu về được gần 3 triệu vì dưa mất mùa, chính vì vụ trước mất mùa nên vụ này nhiều người dân trong xã không mặn mà trồng vì sợ lại thất thu.

Bên cạnh ruộng dưa nhà ông Trọng, gia đình bà Nguyễn Thị Bồng cũng đang tập trung nhân lực hoạch dưa để kịp cân cho thương lái. Bà Bồng cho biết: Trên diện tích 6 mẫu của gia đình đang cho thu hoạch những lứa dưa bở đầu tiên, hứa hẹn được mùa bởi năm nay thời tiết thuận lợi, đầu vụ có mưa giúp cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt. 

Trồng dưa bở không đòi hỏi kỹ thuật nhiều nhưng điều quan trọng là phải đánh luống cao và rộng, độ ẩm đảm bảo nhưng không được để nước đọng mặt luống tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Hàng ngày phải tưới nước cho cây, theo dõi tình hình sâu bệnh để kịp thời phun trừ. 

Đặc biệt những năm gần đây, để tránh tình trạng bị thương lái ép giá khi vào vụ thu hoạch rộ, các hộ trồng dưa trong xã đã tiến hành trồng gối vụ, giúp việc thu hoạch dưa kéo dài, việc tiêu thụ được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, trồng cây dưa bở có lợi thế không phải mua giống, chỉ cần chọn quả chín già, bổ lấy hạt phơi khô, bảo quản kỹ là vụ sau có thể sử dụng ươm trồng. Một sào dưa bở có thể cho thu nhập từ 5-7 triệu đồng/sào.

Gia Tiến Niềm vui được mùa dưa bở Thương lái đến thu mua tại bờ.

 

Vụ đông xuân năm nay, xã Gia Tiến trồng 7 ha dưa bở, trong đó có 2 ha dưa được trồng theo hướng VietGAP. Dưa bở ở xã bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 4 đến tháng 5. Dưa chín thơm mát, ngọt dịu. Dưa ở đây là giống dưa truyền thống có màu sọc vàng xanh xẫm, mùi thơm hấp dẫn. Cứ vào vụ thu hoạch là thương lái từ khắp các huyện trong tỉnh và các huyện lân cận của Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng lại vào thu mua ngay tại chân ruộng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Tiến cho biết: Những năm qua, cây dưa nói chung cũng như dưa bở nói riêng đã giúp người dân xã Gia Tiến có nguồn thu nhập khá. Để từng bước nâng cao giá trị từ cây dưa, vụ này xã đã hỗ trợ 6 hộ đưa vào trồng thử nghiệm 2 ha dưa theo thướng VietGAP. 

Tham gia trồng dưa theo hướng VietGAP, các hộ được xã hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, 2 ha dưa đang cho thu hoạch, năng suất đạt tương đương, chất lượng quả ngon và có giá bán cao hơn so với dưa trồng truyền thống. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi sang canh tác theo hướng hữu cơ, từng bước xây dựng thương hiệu dưa bở Gia Tiến, phấn đấu xây dựng dưa bở là sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên do thị trường tiêu thụ của bà con hiện nay chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thương lái nên tình trạng "được mùa, mất giá" vẫn thường xảy ra. Đó là điều không chỉ người dân mà chính quyền địa phương luôn trăn trở trong nhiều năm qua - ông Cảnh cho biết thêm.

Để cây dưa trở thành cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, trong thời gian tới xã Gia Tiến sẽ vận động các hộ dân thành lập HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp mở rộng thị trường và tìm đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất.

Nguyễn Phượng- Tổng hợp

 

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?