
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm giúp các địa phương và cả nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới. Cùng với việc, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ninh Bình là tỉnh nằm cửa ngõ cực Nam khu vực đồng bằng Bắc Bộ, với vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ và nằm giao thoa giữa 3 vùng kinh tế: vùng đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung; có vị trí thuận lợi, là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam Bắc.
Nhận thức rõ những thuận lợi, khó khăn và việc góp sức phát triển liên kết vùng. Thời gian qua Ninh Bình đã tận dụng tối đa các cơ hội, điều kiện thuận lợi có được từ sự quan tâm lớn của Trung ương, thúc đẩy liên kết với các tỉnh, thành phố, phát triển đa lĩnh vực để cải thiện vị thế địa kinh tế, đưa Ninh Bình sớm trở thành trung tâm vùng nam ĐBSH; cùng các địa phương đưa vùng ĐBSH trở thành vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Là vùng đất cố đô, địa linh nhân kiệt, thiên nhiên ưu đãi, giữ vị trí chiến lược của vùng Đồng bằng sông Hồng, trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là giai đoạn 30 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ, tăng trưởng chậm, Ninh Bình đã đột phá đi lên, tăng trưởng cao, tự cân đối ngân sách, tạo ra 3 trụ cột nền tảng, cơ bản cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong giai đoạn tới là “Trung tâm du lịch quốc gia và khu vực với mục tiêu phát triển theo chiều sâu, lấy yếu tố xanh, văn hóa làm nòng cốt, cung cấp các sản phẩm đậm bản sắc Ninh Bình; động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và đi đôi với bảo vệ môi trường là Công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao và trụ cột phát triển nông nghiêp, xây dựng nông thôn mới bền vững với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước”.
Để phát triển 3 trụ cột về du lịch, công nghiệp và nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới là bệ đỡ bền vững cho một Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong cả nước thì vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX với tư cách là một thành phần kinh tế là hết sức quan trọng, đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến nay, Ninh Bình có 2 Liên hiệp HTX gồm Liên hiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh Ninh Bình và Liên hiệp HTX dê Ninh Bình; 496 HTX. Trong đó có trên 60 HTX, 02 LHHTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, một số HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết vùng trong hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã tạo nên các sản phẩm mang giá trị hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chí quốc gia (OCOP), chất lượng, thương hiệu được nâng lên, quan tâm công đoạn bảo quản, chế biến, xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm…;
Với mục tiêu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi và liên kết vùng thì khu vực kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò là ‘hạt nhân’, chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay.
Đứng trước 3 nhóm cơ hội và thách thức để thúc đẩy liên kết vùng giải quyết bài toán thực tế hiện nay là việc liên kết vùng còn rất lỏng lẻo, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể. Vì vậy, việc xây dựng và phát huy mô hình sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi và liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh về nông nghiệp ở các địa phương là hướng đi đúng đắn, trong đó không thể thiếu vai trò của HTX, nông dân và DN trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX Ninh Bình cho biết, Ninh Bình mong muốn liên kết vùng với các tỉnh để tạo ra sản phẩm thịt dê chế biến sâu với những hành động cụ thể đó là Liên minh HTX tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu giúp các HTX giải quyết được đầu ra cho sản phẩm, tổ chức thăm quan học tập các mô hình phát triển theo chuỗi tại các tỉnh, thành phố; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, truy xuất, xuất xứ hàng hóa; xây dựng trang thông tin điện tử cho các HTX; hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết dọc, liên kết ngang từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm liên kết tìm kiếm đối tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Trong đó, có những mô hình HTX rất thành công như HTX Sinh Dược, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt, HTX Sâm Cúc Phương Bochi… Với các HTX tham gia chuỗi liên kết, Liên minh tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị xây dựng chuỗi chế biến sâu…
Hiện, Liên minh HTX đang hỗ trợ Liên hiệp dê Ninh Bình gắn với phát triển du lịch. Tuy vậy, việc chế biến sản phẩm về dê vẫn ở mức độ nhất định. Do vậy, Ninh Bình mong muốn liên kết vùng với các tỉnh tạo ra các sản phẩm chế biến sâu về dê như lạp xưởng dê, đùi dê hun khói,… Làm sao nhiều người biết tới thương hiệu dê Ninh Bình. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay các HTX phát triển chuỗi giá trị, còn rất yếu nên cần các cấp, các ngành, tổ chức quan tâm, tạo điều kiện để cho các HTX phát triển, thúc đẩy liên kết, ồng thời Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình mong muốn Chính phủ, các bộ ngành địa phương có thêm các chính sách hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng để HTX nâng cao năng lực… Xây dựng sản phẩm OCOP đưa ra thị trường, chứng minh được chất lượng. “Sản phẩm của HTX với chất lượng thật, ngon, có thương hiệu riêng”, bởi liên kết giúp HTX tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng.
Vì vậy, trong thời gian tới việc cần làm để liên kết vùng – 'chìa khóa' giúp kinh tế địa phương cất cánh là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới; thúc đẩy liên kết vùng thực chất hơn tạo ra sự phát triển cụm ngành, đồng thời cần giải quyết được các thách thức, điểm nghẽn về hợp tác và liên kết vùng tại các địa phương; Cần tạo kênh thông tin thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực đế hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững; Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng… thường xuyên trao đổi, đối thoại nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong liên kết vùng để kịp thời hỗ trợ, giải quyết.
Bên cạnh đó, muốn liên kết vùng hiệu quả cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở vùng, yêu cầu về quy mô, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng hướng đến giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm. Một khi có cơ sở dữ liệu chung thì sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng. Bởi “muốn đi xa phải đi cùng nhau” như vậy liên kết vùng một cách thực chất và hiệu quả hơn thì các DN, HTX cũng phát huy được vai trò, tiềm năng, lợi thế của mình và kinh tế của các địa phương sẽ “cất cánh”./.
Vũ Hùng, Phòng Nghiệp vụ
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?