Xác định chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể (KTTT) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh đã tăng cường công tác hỗ trợ các HTX ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động, qua đó tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh.
Nghiệm thu mô hình chuyển đổi số tại HTX nông sản an toàn Văn Quyên
Trợ lực cho các HTX
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 502 HTX, 02 Liên hiệp HTX, với 337.415 thành viên tham gia. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX ổn định, ước đạt 1.860 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân ước đạt 160 triệu đồng/HTX.
Thực trạng chuyển đổi số của các HTX trên địa bàn tỉnh ở từng lĩnh vực có sự khác nhau. Trong các lĩnh vực: nông nghiệp đạt khoảng 10%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng 45% ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào sản xuất và khoảng trên 70% HTX các loại hình ứng dụng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Điều kiện chung về trang thiết bị công nghệ thông tin của các HTX hầu như chưa đáp ứng yêu cầu để áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc. Đối với các HTX sản xuất ngành hàng thì thiết bị, hạ tầng để đáp ứng việc nâng cấp, ứng dụng công nghệ số cũng như cập nhật phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... vào sản xuất đảm bảo hơn.
Liên minh HTX tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về KTTT, HTX. Thông qua các hình thức như tổ chức các chuyên đề, hội thảo; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công. Đặc biệt là triển khai các chính sách của nhà nước, quan tâm đối tượng các mô hình sản xuất có sản phẩm tiêu biểu, chất lượng để định hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để HTX thật sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt thành viên trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Riêng năm 2023, Liên minh HTX tỉnh đã chủ trì và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai giải pháp quản lý sản xuất và kết nối thị trường phục vụ chuyển đổi số cho 4 HTX. Đây là công cụ giúp HTX tuân thủ tốt hơn các quy định trong quản lý nội bộ HTX, quy trình sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường; phối hợp tổ chức tập huấn cho trên 1.000 lượt học viên là đối tượng cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong HTX về quản trị HTX, kê khai thuế điện tử, kỹ năng điện tử, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, ứng dụng chuyển đổi số.... Sản phẩm của các HTX tiếp tục được quan tâm, giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên các kênh thông tin, tuyên truyền.
Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh, nhiều HTX đã được tiếp cận, chuyển giao các tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao thân thiện với môi trường,..., tạo chuyển biến trong tư duy về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tác động nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX.
Những điển hình trong chuyển đổi số
Tiên phong trong việc này phải kể đến một số hợp tác xã, doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để tìm hướng phát triển cho riêng mình.
HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số. Năm 2020, sản phẩm Trà xanh Tâm An Nguyên của HTX được công nhận là sản phẩm Ocop 4 sao. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiêu thụ sản phẩm theo cách truyền thống gặp nhiều khó khăn. Để thích ứng trong tình hình mới, HTX đã nhanh chóng bắt nhịp với công nghệ, ứng dựng chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thay thế cho cách bán hàng truyền thống…Trước hết, HTX đã xây dựng cho mình các sản phẩm đều có mã vạch, tem truy xuất giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ; tiếp đến thông qua các hình thức quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, cũng như qua hệ thống thương mại điện tử, khách hàng có thể ngồi tại nhà lựa chọn và đặt hàng để được giao hàng tận nơi.
HTX Nông Sản và Du lịch Tam Điệp được thành lập với mục tiêu hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm liên kết các hộ thành viên sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động; hỗ trợ thành viên phát triển ngành nghề…. Đến nay, HTX đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 tiếp tục còn diễn biến phức tạp, để thúc đẩy việc quảng, bá, tiêu thụ sản phẩm, HTX đã ứng dụng chuyển đổi số để đứng vững trên thị trường hiện nay.
Đối với HTX RiTi với sản phẩm chủ lực là trà hoa cúc chi hữu cơ được HTX quy hoạch canh tác đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Để quy trình canh tác hoa cúc chi đạt chứng nhận hữu cơ, HTX đã xây dựng xưởng sản xuất phân giun rộng 300 m2 nhằm mục đích chủ động kiểm soát được chất lượng và sản lượng phân bón, đáp ứng đủ cho khu vực canh tác. Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, HTX đã triển khai sử dụng hệ thống kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm kết hợp với hệ thống IoT dành cho xưởng sản xuất phân giun để canh tác cúc chi hữu cơ. Qua việc áp dụng hệ thống công nghệ IoT, giúp số hóa toàn bộ dữ liệu thu thập qua các cảm biến điện tử và được lưu trữ lại tại trung tâm dữ liệu. Toàn bộ hệ thống thiết bị sản xuất đã được thông minh hóa và vận hành toàn bộ hoàn toàn tự động, giải pháp sẽ cung cấp tính năng cảnh báo nguy cơ tức thì thông qua các phương thức như gửi tin nhắn qua điện thoại cho khách hàng. Toàn bộ hoạt động của thiết bị cũng như toàn bộ dữ liệu môi trường sẽ được lưu trữ lại và sau đó người dùng có thể trao cứu và truy xuất. Việc áp dụng công nghệ sẽ giúp cho xưởng sản xuất phân giun của HTX được kiểm soát tốt, giúp cho việc nuôi giun được thuận lợi. HTX đã mở rộng từ nuôi 1.500 khay lên 3.000 khay, dự kiến sản lượng phân bón tăng từ 6 tấn lên 15 tấn/tháng. Với quy trình sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ, sản phẩm trà cúc chi đã được công nhận sản phẩm Ocop 4 sao. Hiện nay thị trường tiêu thụ của HTX ngày càng được mở rộng, được khách hàng tin dùng và là địa chỉ tin cậy cho các cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Thăm mô hình chuyển đổi số tại HTX Riti
Từng bước ứng dụng chuyển đổi số không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực đối với các HTX mà việc chuyển đổi số trong quảng bá sản phẩm đã giúp nhiều doanh nghiệp nâng cao giá trị, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm, thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử Lazada, shopee…
Rõ ràng, việc tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử đã giúp thúc đẩy tăng doanh số bán hàng cho các HTX, doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 và hậu Covid-19. Đồng thời là cơ sở quan trọng để mở rộng các kênh phân phối, giúp các chủ thể tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm cho người sản xuất.
Nhiều hợp tác xã đã tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, chuyển đổi số tại các HTX muốn thành công cần thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ; đồng thời phù hợp với từng HTX về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực...
Còn đó những khó khăn
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn không ít khó khăn bởi ba nguồn lực quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời là điều kiện nền tảng để thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tại các HTX nông nghiệp gồm tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực đều hạn chế.
Trong đó, phần lớn các HTX nông nghiệp đang gặp khó khăn về vốn trong kinh doanh, khó bố trí nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật; mức độ sẵn sàng và khả năng tiếp cận công nghệ của cán bộ quản lý, thành viên HTX đều ở mức dưới trung bình do trình độ thấp, độ tuổi trung bình cao và tâm lý ngại thay đổi; cơ sở vật chất từ nhà xưởng đến trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số còn lạc hậu do HTX không có tài chính để đầu tư.
Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những quy định, cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù áp dụng cho đối tượng đặc thù HTX liên quan đến chuyển đổi số. Các HTX khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển và thông tin liên quan đến chuyển đổi số: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" chưa điều chỉnh đối tượng HTX.
Một trong bài học kinh nghiệm được rút ra trong thời gian qua, đó là chuyển đổi số cần phù hợp với từng HTX về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực..., tránh "lệch pha" giữa công nghệ và khả năng vận dụng.
Phấn đấu có thêm nhiều HTX tham gia chuyển đổi số
Việc chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX. Phần lớn các HTX đã nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với tổ chức hoạt động và sự phát triển (đặc biệt trong và sau dịch bệnh COVID-19); xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số (từ 3 - 5 năm) và xác định những nền tảng cần có theo những nét đặc trưng của HTX.
Vì vậy, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung tăng cường tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý HTX về tầm quan trọng trong việc chuyển đổi số hiện nay... Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để HTX thật sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt thành viên trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Nguyễn Phượng- P. Tuyên truyền
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?