HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Năm, 21/11/2024

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hợp tác xã

Thứ Ba, 26/03/2024

Vấn đề Hợp tác xã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách có hệ thống, từ những ý tưởng mang tính chất lý luận đến những bài nói, bài viết sau này tuy mang tính chất chỉ đạo thực tiễn nhiều hơn nhưng đều chứa đựng quan điểm nhất quán về vai trò to lớn của HTX đối với đồng bào ta, nhất là vùng nông thôn, nông nghiệp.

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điền chủ nông gia Việt Nam

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đưa những quan điểm về hợp tác xã (HTX) vào Việt Nam. Người đã kế thừa những lý luận và thực tiễn về HTX của thế giới, của Chủ nghĩa Mác - Lênin và phát triển một cách sáng tạo trong điều kiện cụ thể của đất nước.

       Đặc biệt trong tác phẩm Đường Cách mệnh năm 1927, tác phẩm lý luận điển hình, mẫu mực về HTX. Người đã giành hẳn một chương viết về HTX. Người nói “HTX là “góp gạo thổi cơm chung” cho khỏi “hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ”[1]; và vận dụng tục ngữ Việt Nam “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để rút ra kết luận: “lý luận HTX đều ở trong những điều ấy”[2].

       Hồ Chí Minh nói về tính chất HTX là tổ chức kinh tế – xã hội, nó không thuần túy là kinh tế và cũng không thuần túy là xã hội. Nó khác hội buôn và khác hội từ thiện vì các hội ấy có tiêu đi mà không làm ra. HXT có tiêu đi, có làm ra, chỉ giúp cho người trong hội nhưng giúp một cách bình đẳng.

       Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những vấn đề lý luận cơ bản của HTX như: lịch sử ra đời, mục tiêu, bản chất, tổ chức quản lý,… Đặc biệt Người đề cập vấn đề quan trọng nhất của HTX chính là bản chất, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX, “đã vào hội thì bất kỳ góp nhiều hay ít, vào trước vào sau, ai cũng bình đẳng như nhau”[3], “xã viên là hạt nhân, là trung tâm của HTX nên phải hiểu rõ về HTX, phải nâng cao ý thức trách nhiệm về “HTX là nhà, xã viên là chủ”[4].

       Sau khi đã giành được chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tư tưởng HTX vào thực tế Việt Nam. Trong “Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam” ngày 11/4/1946 - sự kiện giờ đây trở thành ngày truyền thống HTX Việt Nam - khi lý giải cụ thể HTX , Người viết: “Nói tóm lại, HTX là hợp vốn, hợp sức lại với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”. Mong muốn của Người là: “anh em ta ai chẳng mong cho nước thịnh, dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn, góp sức, lập nên HTX nông nghiệp ở khắp nơi, từ làng mạc đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có HTX”[5].

       Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đến khi hòa bình lập lại năm 1954, ở miền Bắc, Hồ Chủ tịch luôn chú trọng đến tổ chức phát triển HTX, đến con đường làm ăn tập thể. Với cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, Người đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ có những chủ trương, đường lối phù hợp, đúng đắn để kinh tế HTX được tổ chức, phát triển, tạo được sức mạnh tổng hợp vào thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Kháng chiến, kiến quốc; xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu trang giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Nhìn chung, trong thời kỳ này các HTX được củng cố, phát triển và trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc.

       Trong giai đoạn hiện nay, trên nền tảng quan điểm Hồ Chí Minh về HTX, Đảng chỉ đạo triển khai, phát triển sát với thực tiễn, với những quyết sách tạo ra cơ chế đột phá cho kinh tế hộ, là giải pháp hiệu lực về củng cố, phát huy hiệu lực của HTX nông nghiệp.

       Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã có những biến đổi quan trọng. Khi cơ chế quản lý tập trung bao cấp được xóa bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước từng bước được hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế. Phần lớn, HTX trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, lúng túng. Nhiều HTX sản xuất kinh doanh thua lỗ bị tan rã, giải thể. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có một bộ phận HTX đã kịp thời chuyển đổi thích ứng với cơ chế mới, hoạt động có hiệu quả.

    Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, ban, nghành, đoàn thể, sự hưởng ứng của người dân, phong trào HTX trong cả nước có nhiều chuyển biến tích cực. HTX tiếp tục phát triển về số lượng, đa dạng về loại hình và nhiều mô hình, điển hình và HTX kiểu mới được thành lập. Kinh tế HTX có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội và đóng góp tích cực trong việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

       Sự ra đời, tồn tại, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế HTX là tất yếu khách quan. Bác Hồ, Đảng ta rất sớm nhận rõ sự cần thiết của kinh tế HTX đối với sự phát triển của đất nước. Quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về HTX là nhất quán. Trong xu thế hội nhập và phát triển, nhận thức rõ và tập trung cho phát triển kinh tế HTX là sự lựa chọn thiết thực.

Vũ Hùng, tổng hợp

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?