HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 19/04/2024

Triển vọng từ sâm Bố Chính ở Yên Quang

Thứ Hai, 05/12/2022

Cánh đồng sâm Bố Chính gần 5 ha ở xã Yên Quang (Nho Quan) do Hợp tác xã (HTX) Sâm Cúc Phương Bochi làm chủ, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn mà còn mở ra triển vọng phát triển đa dạng các loại cây trồng giá trị ở vùng đồi núi của huyện Nho Quan.

Cánh đồng sâm Bố Chính của HTX Sâm Cúc Phương Bochi, xã Yên Quang (Nho Quan).

Sâm Bố Chính được phát hiện đầu tiên ở châu Bố Chính (nay là vùng Bố Trạch, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cách đây khoảng 300 năm trước và được đặt tên theo địa danh. Đây từng là một sản vật quý của người dân nơi đây dùng để tiến cúng cho các vị vua. Theo thời gian cây sâm Bố Chính có thời điểm không còn trong danh sách thực vật ở nước ta. Tuy nhiên, những năm gần đây cây sâm Bố Chính đang được nghiên cứu và phục hồi. 

Với mong muốn tìm giống cây mới để phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao ở quê hương, anh Quách Văn Kỳ, Giám đốc HTX Sâm Cúc Phương Bochi đã đưa cây sâm Bố Chính về trồng thử nghiệm tại vùng đất Yên Quang (Nho Quan), bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Anh Kỳ kể, cuối năm 2019, anh được người thân giới thiệu về sản phẩm từ cây sâm Bố Chính. Anh tìm hiểu qua mạng, trực tiếp đến những nơi trồng cây sâm Bố Chính, nhận thấy khí hậu và chất đất của quê hương phù hợp trồng. 

Đầu năm 2020, anh mạnh dạn thuê lại hơn 2 sào đất hoang của xã Yên Quang để trồng thử nghiệm giống cây này. "Thời gian đầu, do chưa nắm được kỹ thuật nên công đoạn cải tạo đất, tăng độ màu còn kém, luống trồng sâm thấp, cây sâm không có khả năng chịu úng nên thiệt hại nhiều." - anh Kỳ chia sẻ. Không bỏ cuộc, anh không ngừng học hỏi và nhờ các chuyên gia về trồng sâm Bố Chính hỗ trợ, hướng dẫn. Từ đó, anh đã nắm vững quy trình chăm sóc, đặc tính của cây, mỗi công đoạn đều được anh ghi chép tỷ mỉ, truyền đạt đến những người trực tiếp chăm sóc. Không phụ công người trồng, cây sâm Bố Chính hợp thổ nhưỡng đã cho thu hoạch. 

Mô hình trồng sâm Bố Chính được HTX Sâm Cúc Phương Bochi canh tác theo quy trình hữu cơ, không dùng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, chỉ chăm sóc bằng vi sinh, đạm cá, trùn quế..., ứng dụng công nghệ cao ở những công đoạn như tưới nước tự động, sấy lạnh... Sâm Bố Chính có dược tính rất cao, qua kiểm nghiệm cho thấy loài sâm này rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước nên cho ra sản phẩm nhiều hàm lượng dinh dưỡng và các hoạt chất như: Saponin, Omega 3, Omega 6...và các vi khoáng như sắt, canxi. Sâm Bố Chính có vị ngọt, tính mát, có một số tác dụng: điều trị ho, tác dụng bồi bổ cơ thể, hỗ trợ thải độc, chống oxi hóa... 

Hiện HTX đang cho ra các sản phẩm như: sâm tươi, trà sâm, bột sâm, sâm thái lát... Trung bình mỗi vụ, mỗi ha thu được 1,5 tấn sâm tươi, với giá bán củ sâm tươi dao động từ 600 nghìn - 1,5 triệu đồng/kg, tùy chất lượng loại củ. Sâm sau thu hoạch được đem sấy lạnh, chế biến thành trà sâm, tinh bột sâm. Tinh bột sâm có giá khoảng 400 nghìn đồng/ hộp100gram; trà sâm có giá khoảng 60 nghìn đồng/hộp 100gram. Ước tính trung bình mỗi vụ cây sâm Bố Chính cho HTX thu nhập trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập 200 nghìn đồng/ngày. 

Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Kỳ cho biết: "Thời gian tới, HTX dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng, đầu tư thêm hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất, mẫu mã các sản phẩm từ cây sâm Bố Chính". Chuyển đổi cây trồng để tăng giá trị trên cùng một diện tích đất đang là hướng đi đúng đắn và lâu dài của ngành Nông nghiệp. 

Thành công bước đầu của mô hình trồng sâm Bố Chính ở xã Yên Quang góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của người nông dân, là động lực giúp họ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 

Vũ Hùng, tổng hợp

 

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?