HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Bảy, 20/04/2024

Thay đổi tư duy trong sản xuất lúa nông nghiệp

Thứ Tư, 15/02/2023

Hiện nay, lúa là cây trồng chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta với diện tích gieo cấy hàng năm hơn 70 nghìn ha (chiếm gần 80% tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm). Tuy nhiên, ngành sản xuất này lại đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi có những giải pháp kịp thời tháo gỡ, đồng thời có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất.

Gieo cấy là khâu có tỷ lệ cơ giới hóa thấp nhất trong sản xuất lúa hiện nay

Cây lúa gắn bó với người nông dân bao đời nay. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là thu nhập của người trồng lúa đang rất thấp so với các ngành nghề khác. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động, giá cả vật tư leo thang, biến đổi khí hậu, biến động nhu cầu thị trường... vẫn đang tiếp tục tác động xấu đến ngành sản xuất này. 

Thiếu hụt lao động trầm trọng 

Hiện đang là cao điểm gieo cấy vụ lúa Đông Xuân. Tuổi cao, con cái đi làm ăn xa nên ông Trịnh Văn Bình (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) phải thuê thêm người cấy cho kịp thời vụ. Ông Bình cho biết, gia đình tôi cấy 7 sào ruộng, ngoài 2 vợ chồng làm, phải thuê thêm 2 nhân công, cấy trong 2 ngày mới xong, chi phí trả công thuê cấy mất hơn 1 triệu đồng. "Các con động viên tôi nghỉ không cấy nữa, cho người khác mượn ruộng nhưng không làm ruộng thì người nông dân như chúng tôi biết làm gì"- ông Bình ngập ngừng nói. 

Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư trước đây là xã thuần nông nhưng khoảng chục năm trở lại đây, các hoạt động du lịch trên địa bàn phát triển, nhiều nhà máy, công ty mọc lên..., lực lượng lao động trẻ, khỏe ở nông thôn cơ bản đã thoát ly để chuyển sang làm các ngành nghề dịch vụ hoặc làm công nhân. Thậm chí những nông dân tầm 50-60 tuổi ngày ngày vẫn đi lái đò chở khách du lịch, việc đồng áng chỉ làm ngày nghỉ hoặc tranh thủ chiều tối, sáng sớm, nên có tình trạng lúa cấy xong để mặc cho chuột bọ, sâu bệnh phá hại, cuối vụ thu được hạt nào thì thu. 

Chị Nguyễn Thị Quế, thôn Vàng Ngọc, xã Trường Yên cho biết: "Làm công nhân tuy gò bó về thời gian nhưng bù lại chẳng phải chân lấm tay bùn. Lương cứng và làm thêm giờ mỗi tháng khoảng 6-7 triệu đồng, tức là bằng cấy 1 mẫu lúa/vụ nên nhiều thanh niên nông thôn có suy nghĩ bỏ việc làm nông". 

Câu chuyện ở Trường Yên không phải là cá biệt ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay. Việc thiếu lao động nông nghiệp đang khiến việc chỉ đạo sản xuất ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. 

Nhiều lãnh đạo HTX bày tỏ: nông dân không tuân thủ lịch thời vụ, không chịu phun trừ sâu bệnh, không làm cỏ để cỏ tốt hơn lúa... Thậm chí, có nơi vận động bà con cấy lúa bằng cách thức truyền thống để giảm rủi ro về thời tiết, giảm việc sử dụng thuốc cỏ, bà con cũng đã gieo mạ nhưng khi thấy thời tiết ấm lên, ruộng cạn, lại quay ra gieo thẳng, vứt mạ đi vì không có công cấy. 

Giá vật tư tăng cao

Không chỉ thiếu lao động, sản xuất lúa gần đây còn phải đối mặt với tình trạng giá cả vật tư đầu vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp liên tục tăng nóng. 

Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2021, giá các loại phân bón hiện nay đã tăng 1,5- 2 lần: DAP từ 18-25 nghìn đồng/ kg tùy loại, kali tăng 13-16 nghìn đồng/kg, NPK 12-16 nghìn đồng/ kg, đạm tăng 10 nghìn đồng/kg. Các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10-20%... Điều này đã đội chi phí sản xuất lúa hiện nay lên khoảng 1-1,1 triệu đồng/ sào. Nếu 1 sào thu hoạch được 2 tạ lúa và giá bán là 6.800 đồng/ kg thì nông dân chỉ lãi được 300 nghìn đồng/3 tháng, chưa tính công lao động bỏ ra. Không chỉ đối mặt với bão giá mà thời tiết ngày càng cực đoan cũng khiến nông dân thêm chật vật. 

Năm 2022 vừa qua là một minh chứng điển hình khi ở vụ Đông Xuân, nhiều bà con đã phải gieo cấy đi gieo cấy lại do rét đậm, rét hại bất thường (xảy ra vào nửa cuối tháng 2, sau tiết lập Xuân). Vụ sản xuất này cũng ghi nhận hiện tượng hiếm gặp khi cuối tháng 5 mà vẫn còn có không khí lạnh tác động, làm ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình thụ phấn của cây lúa. Bước sang vụ lúa Mùa lại tiếp tục một kiểu thời tiết dị thường hiếm có khi mưa lớn liên tục kéo dài tới gần 20 ngày, đúng thời điểm phần lớn diện tích lúa ở các địa phương trỗ bông, phơi mầu, khiến nhiều cánh đồng lúa bị lép hạt, lửng, năng suất giảm sút. 

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) cho biết: Lúa gạo là cây trồng dễ bị tổn thương nhất do khí hậu thay đổi trong tương lai. Sự gia tăng tần suất và mức độ khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng có thể làm giảm sản lượng lúa tới 40% vào cuối thế kỷ này. Sản xuất khó khăn, thu nhập nhận lại không xứng đáng với công sức bỏ ra nên nhiều nông dân không còn mặn mà với sản xuất, thể hiện bằng việc giảm đầu tư chăm bón, thậm chí một vài nơi có hiện tượng bỏ vụ. 

Đề cập đến vấn đề này, ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng: Có một thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay là hầu hết vẫn duy trì việc sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, phân tán, dễ bị "tổn thương" trước tác động của thiên nhiên. Tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu gieo cấy còn thấp nên tốn nhiều công lao động. Cùng với đó là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón không cân đối làm chi phí sản xuất tăng cao, trong khi đó chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cũng sẽ giảm đi. Ngoài ra, sự liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ còn yếu và thiếu bền vững, chỉ ở từng khâu rời rạc (có thể là 1 khâu giống hoặc phân bón hoặc cơ giới hóa), do đó chưa tiết giảm được tối đa chi phí và ảnh hưởng tới lợi nhuận của người trồng lúa. Chính vì thế, để nâng cao đời sống nông dân không cách nào khác là phải theo con đường tập trung hóa sản xuất, chỉ như vậy mới có điều kiện để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, thúc đẩy liên kết, giảm chi phí sản xuất. 

Vũ Hùng, tổng hợp

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?