HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Năm, 21/11/2024

Phát triển du lịch miền núi: Thêm giải pháp bền vững cho ngành "công nghiệp không khói" - (Kỳ II): Gieo "mầm xanh" trên vùng đất khó

Thứ Ba, 08/10/2024

Giàu tiềm năng về văn hóa, lợi thế to lớn về tài nguyên thiên nhiên, cộng hưởng với các chính sách của tỉnh về thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững, Nho Quan đã trở thành điểm đến cho doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đầu tư phát triển du lịch.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Vedana Resort Cúc Phương, xã Cúc Phương (Nho Quan). Ảnh: CTV

Những "hạt giống" đầu tiên 

Hơn 10 năm về trước, hàng trăm ha bãi đá lộ đầu của xã vùng cao Cúc Phương (Nho Quan) gần như bỏ hoang, đến cây cỏ cũng không mọc được. Tuy nhiên, khu vực này lại có lợi thế gần Vườn Quốc gia Cúc Phương không khí luôn trong lành, thoáng mát. Đây cũng là nơi có nguồn nước khoáng ngầm cộng với văn hóa bản địa của người Mường cổ Cúc Phương, Kỳ Phú..., do đó huyện Nho Quan đã quy hoạch khu vực này để thu hút đầu tư phát triển du lịch. "Hữu xạ tự nhiên hương" một số doanh nghiệp đủ mạnh đã nhận thấy tiềm năng của vùng đất này và "gieo" lên những bãi đá lộ đầu "hạt giống" tươi tốt. 

Ông Lê Quốc Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Cúc Phương, một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào du lịch ở vùng miền núi Nho Quan cho biết: Tôi chọn Cúc Phương để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng bởi nơi đây có đầy đủ các yếu tố, như được Nhà nước quan tâm, phong cảnh tự nhiên nguyên sơ, môi trường trong lành, vốn văn hóa dân gian đậm nét và đặc biệt vùng miền núi của Ninh Bình đang là điểm đến hấp dẫn được các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đánh giá cao. Ngoài ra, sự tăng trưởng mạnh của lượng khách du lịch nội địa và quốc tế với thời gian lưu trú dài đã khẳng định thương hiệu, vị thế của du lịch Ninh Bình. 

Hiện nay, Vedana Resort là một trong số các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp không chỉ của huyện Nho Quan mà trên phạm vi tỉnh Ninh Bình. Dự án Vedana Resort có quy mô 16,4ha với hàng loạt công trình như nhà hàng, nhà đón tiếp khách, trung tâm hội nghị được tạo nên bởi hơn 200 nghìn cây tre. Vedana Resort Cúc Phương được xem là công trình bằng tre lớn nhất khu vực Đông-Nam Á. Tại đây, doanh nghiệp cũng đã xây dựng một Bảo tàng văn hóa Mường với quy mô 1.000 m2 , không chỉ trưng bày, lưu giữ, quảng bá các hiện vật văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. 

Qua gần 4 năm đi vào hoạt động, Vedana Resort đã trở thành điểm đến ấn tượng thu hút khách du lịch đến Ninh Bình nhờ khai thác tốt các yếu tố văn hóa Mường và nét đặc trưng của Vườn Quốc gia Cúc Phương, tạo sức hấp dẫn cho khu nghỉ dưỡng Vedana Resort. Bên cạnh việc chăm chút cho các dịch vụ như chèo thuyền kayak, team building, các hoạt động trong nhà, ngoài trời, doanh nghiệp đã chú trọng phối hợp với người dân bản địa để khôi phục lại những làn điệu múa, câu ca, trò chơi, tập tục lối sống, văn hóa ẩm thực... mang đậm bản sắc dân tộc Mường phục vụ du khách lưu trú. Hiện Vedana Resort đang sử dụng hơn 200 lao động địa phương ở tất cả các khâu vận hành của khu nghỉ dưỡng, với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng cho từng vị trí công việc. 

Với 86% dân số là người dân tộc Mường và điều kiện thiên nhiên đặc trưng của vùng cao, xã Cúc Phương đã chủ động lựa chọn bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mường để phát triển du lịch từ rất sớm, đến nay đã khẳng định hướng đi này là hết sức đúng đắn. Đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Hiện trên địa bàn xã đã thu hút được 3 dự án du lịch lớn là: Vedana Resort Cúc Phương, Cúc Phương Resort&Villas, Khu du lịch tắm ngâm nước khoáng nóng Cúc Phương. Điều này đã mở ra một hướng đi mới phá thế độc canh nông nghiệp, tạo đà cho việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Trên cơ sở này, xã đã khuyến khích người dân mở rộng các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn xã có gần 30 homestay, nhà hàng... Cúc Phương đang dần trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trong hành trình khám phá vùng đất Ninh Bình được ví như "Việt Nam thu nhỏ". 

Đất lành hút "đại bàng" làm tổ 

Trên cơ sở tài nguyên đó, Nho Quan đã từng bước quy hoạch, khai thác và hình thành các sản phẩm du lịch có lợi thế, bao gồm: Du lịch văn hóa-lịch sử-tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, với lợi thế về cảnh quan tự nhiên, huyện Nho Quan đã quy hoạch phát triển mô hình khu nông trại sinh thái-nghỉ dưỡng-trải nghiệm tại khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương và vùng đệm Cúc Phương, Kỳ Phú, Yên Quang; du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với Khu du lịch Kênh Gà-Vân Trình tại các xã Lạc Vân, Đức Long, Thượng Hòa; du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp công nghệ cao tại các xã Văn Phương, Kỳ Phú...; du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản xuất làng nghề tại các xã Quỳnh Lưu, Gia Thủy, Sơn Hà…; du lịch sinh thái gắn với các vực nước tự nhiên lớn ở hồ Đá Lải, hồ Đồng Chương... 

Đồng chí Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan chia sẻ: Với mục tiêu phấn đấu du lịch-dịch vụ trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế, những năm qua, huyện đã tích cực xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ-du lịch bảo đảm đúng định hướng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện; tiếp tục kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khảo sát, đầu tư phát triển du lịch, nhất là các dự án có quy mô lớn, khu vui chơi giải trí hiện đại nhằm tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch; đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, tiềm năng, thế mạnh của huyện. 

Với những giải pháp đồng bộ, có lộ trình, đến nay, huyện Nho Quan đã thu hút được nhiều dự án của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch, văn hóa. Tiêu biểu như: Dự án đầu tư xây dựng Khu sinh thái và biệt thự Golden Cúc Phương; dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng Cúc Phương Resort; dự án xây dựng Khu du lịch tắm ngâm nước khoáng nóng Cúc Phương; dự án xây dựng sân golf Tràng An 18 hố cùng với các dịch vụ bổ sung khác như khu biệt thự, nhà hàng, bể bơi,…; dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương và nhiều dự án về trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa được triển khai thực hiện hằng năm. 

Huyện cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng đến khảo sát, triển khai dự án phát triển du lịch, văn hóa trên địa bàn, như: Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề xuất nghiên cứu khảo sát, tài trợ quy hoạch chi tiết dự án Khu đô thị du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử và nghỉ dưỡng xã Sơn Hà và xã Quảng Lạc; Công ty cổ phần Stavian GFS Land khảo sát, lập dự án Khu nghỉ dưỡng khu vực Vườn Mít-Thung Vìn, xã Văn Phương; Công ty cổ phần khoáng nóng Thanh Thủy đề xuất nghiên cứu, khảo sát lập dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp khu vực xã Yên Quang và xã Văn Phương; Công ty cổ phần đầu tư H&T khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái và thương mại dịch vụ tại Thung Pát, Thung Bương thuộc thôn Sấm 1, Sấm 2, xã Cúc Phương,… 

Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình chia sẻ: Mỗi một địa phương, điểm đến đều chứa đựng trong đó câu chuyện gắn liền những giá trị văn hóa khác biệt. Điều đáng ghi nhận là chính quyền, ngành chức năng, các đơn vị liên quan và cộng đồng dân cư địa phương bước đầu đã biết "kể" câu chuyện của mình bằng những trải nghiệm hấp dẫn, thú vị, để từ đó thu hút các nhà đầu tư đủ mạnh xây dựng nên một hệ sinh thái du lịch. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải có sự đầu tư, nghiên cứu và vận hành bài bản, với sự vào cuộc của cả những người làm du lịch, chính quyền, đơn vị quản lý điểm đến, cộng đồng địa phương và các chuyên gia văn hóa lịch sử, từ đó cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan để bảo đảm phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc và bền vững. 

Theo Báo Ninh Bình

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?