HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Năm, 21/11/2024

Phát triển du lịch miền núi: Thêm giải pháp bền vững cho ngành "công nghiệp không khói" - (Kỳ I): Về miền đất cổ Nho Quan

Thứ Ba, 08/10/2024

 

Những năm gần đây, du lịch Ninh Bình đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách ở cả thị trường quốc tế và trong nước, khẳng định vị thế điểm đến hàng đầu việt nam. Mặc dù chưa xảy ra tình trạng quá tải ở những vùng trọng điểm nhưng tỉnh Ninh Bình đã chủ động lường đón bằng cách xây dựng các sản phẩm du lịch, điểm đến vệ tinh. Một trong những địa phương được ngành du lịch Ninh Bình lựa chọn để khai thác phát triển là huyện miền núi Nho Quan. Điều này mang lại màu sắc đa dạng, phong phú cho sản phẩm du lịch của Ninh Bình, góp phần phát triển bền vững cho ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh.

Biểu diễn văn hóa cồng chiêng tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan. Ảnh: Minh Quang

Nho Quan là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình, sở hữu tiềm năng nổi bật với nhiều cảnh quan đặc sắc, các lễ hội, lối sống sinh hoạt hàng ngày, món ăn, đặc sản nổi tiếng của đồng bào dân tộc Mường… Đây là những chất liệu quan trọng để hình thành những sản phẩm du lịch riêng có, độc đáo, hấp dẫn du khách với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lịch sử-văn hóa… 

Dấu xưa còn mãi 

Huyện miền núi Nho Quan nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Bình, với diện tích rộng chiếm 1/3 diện tích của toàn tỉnh; tiếp giáp với huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) và 2 huyện Yên Thủy, Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình). Sử sách ghi lại, tên gọi "Nho Quan" có từ triều Nguyễn, năm Tự Đức thứ 15 (năm 1862), với ý nghĩa là vùng đất nho nhã, văn hiến. 

Nho Quan ngày nay vẫn được nhắc đến là "miền đất cổ" với nhiều dấu ấn lịch sử. Từ rừng nguyên sinh Cúc Phương, với di chỉ khảo cổ được phát hiện tại Động Người Xưa, đã cho thấy có sự xuất hiện của con người trên mảnh đất này từ thời cổ đại cách đây hơn 7.000 năm. Ngoài ra, còn nhiều bằng chứng khoa học chứng minh Nho Quan là một trong những vùng đất đã góp phần tạo dựng nên quốc gia Văn Lang, Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. 

PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam chia sẻ: Trên nghìn năm trước, Việt-Mường vẫn là cộng đồng chung, về sau mới phân hóa thành hai cộng đồng riêng biệt khi một bộ phận chuyển cư xuống vùng châu thổ và rìa châu thổ Sông Hồng và bộ phận cư dân tụ cư tại chỗ đã phân tách Việt và Mường thành hai tộc người riêng biệt. Thời điểm này bắt đầu manh nha từ thời Lý-Trần và rõ nét từ thời Lê. Đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi và chưa có hồi kết. Không gian văn hóa Tràng An là không gian văn hóa Việt-Mường. Không gian này nếu nhận diện cụ thể có thể mở rộng tới Nho Quan và cả khu vực Vườn quốc gia Cúc Phươngnơi tiếp giáp của ba tỉnh trong khu vực, bao gồm các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) và Thạch Thành, Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa). Thêm nữa, đây là nơi các cộng đồng Mường được bảo tồn khá đậm nét các đặc trưng văn hóa Mường cũng như Việt Mường chung. Bên cạnh người Việt (Kinh) và văn hóa Việt, cũng nên chú ý văn hóa của cộng đồng Việt-Mường nói chung và văn hóa Mường nói riêng ở khu vực này. 

Theo ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, các dấu tích về văn hóa Mường ở vùng đất Nho Quan còn khá đậm nét. Mặc dù theo thời gian, văn hóa truyền thống của người Mường ở Nho Quan có sự mai một nhưng những nét đặc trưng văn hóa đã được dân gian tổng kết là: Trâu đeo mõ, chó leo thang; củ mai, rau sắng, măng đắng, mật ong; cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới... hiện vẫn được đồng bào gìn giữ đến ngày nay. Cùng với đó, trong đời sống của người Mường, còn khá đa dạng các dạng thức về trang phục, ẩm thực và nhất là các dạng thức của văn hóa phi vật thể, từ ngôn ngữ đến các lễ thức trong chu kỳ đời người; từ kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc với thường rang, bọ mẹng đến đẻ đất đẻ nước; từ sắc bùa đến thơ ca dân gian, truyện thơ dân gian… và còn rất nhiều điều lý thú, độc đáo khác nữa. 

Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17% dân số huyện Nho Quan, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Chính vì vậy, vùng đất này còn lưu giữ được đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống, cùng với hơn 300 di tích lịch sử-văn hóa, hơn 40 lễ hội dân gian. Đặc biệt, Vườn quốc gia Cúc Phương-nơi bao chứa một giá trị đồ sộ về thiên nhiên, cảnh quan sinh thái, văn hóa của người dân tộc Mường... chính là điều kiện rất thuận lợi cho việc hình thành và phát triển du lịch đa sắc thái. 

Đánh thức di sản 

Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó phòng Văn hóa-Thông tin huyện Nho Quan cho biết: Nếu ví các di tích lịch sử-văn hóa là "mỏ vàng lộ thiên" phục vụ cho ngành Du lịch phát triển, thì những nét đẹp văn hóa giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số được coi là "kho báu" di sản văn hóa phi vật thể. Chính vì thế, không phải đến bây giờ văn hóa bản địa mới được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Nho Quan chú trọng bảo tồn để phát triển du lịch. Mà bấy lâu nay, kho báu văn hóa vẫn như mạch suối ngầm không bao giờ cạn trong lòng mỗi người dân "vùng đất cổ" Nho Quan. 

Vì vậy mà năm 2023, khi huyện Nho Quan thực hiện Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, Nhân dân các xã miền núi của huyện Nho Quan vô cùng phấn khởi, đồng thuận. Họ cùng với Nhà nước phục dựng lại hàng loạt các nghi lễ truyền thống như: Lễ hội Khai hạ (xã Cúc Phương) và Lễ hội Cơm mới (xã Kỳ Phú); nghiên cứu, phục hồi và bảo tồn văn hóa phi vật thể Nghi lễ Mo Mường và Đám cưới người Mường; xây dựng 2 mô hình văn hóa truyền thống dân tộc Mường tại bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú và thôn Bãi Cả, xã Cúc Phương… 

Cùng với đó, các sản vật địa phương đã được nâng tầm trở thành hàng hóa phục vụ du lịch và được tạo "bệ phóng" t ừ Đề án mỗi vùng một sản phẩm đặc trưng chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình (Đề án OCOP Ninh Bình). Đến nay, huyện Nho Quan đã chỉ đạo 27/27 xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa 5 phương, trong đó nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu riêng, góp phần phục vụ phát triển du lịch như: Mật ong Cúc Phương, Cơm cháy Xích Thổ, Trà hoa vàng, Cao đinh lăng, Trà hoa thảo mộc, Dầu gội thảo mộc Citaher Cúc Phương, quả Bùi Kỳ Lão… 

Đặc biệt, hàng năm, huyện duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan, nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch trong nước, quốc tế đến với Nho Quan, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. 

Với nỗ lực của địa phương, sự đầu tư khá bài bản từ cơ chế chính sách thu hút đầu tư, Nho Quan đang là vùng đất hấp dẫn để xây dựng cơ sở hạ tầng lưu trú, từ đó các tour du lịch mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền đã ra đời, từng bước tạo lực hấp dẫn với du khách. Đây sẽ là hành trình đánh thức tài nguyên, mở ra cơ hội mới trong phát triển du lịch gắn với công tác quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững dư địa về tài nguyên thiên nhiên, danh thắng, rừng cây di sản và văn hóa bản địa. 

Theo Báo Ninh Bình

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?