Từ ngày 1/7/2024, Luật HTX năm 2023 chính thức có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển các tổ chức kinh tế tập thể. Để hiểu rõ hơn về những điểm mới và việc triển khai Luật đối với khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn đồng chí Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh về vấn đề này
Liên minh HTX tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các HTX. Ảnh: Minh Đường
Phóng viên: Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển, đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Đồng chí Lê Thị Tâm: Cùng với nhiều Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua đã quan tâm đến phát triển kinh tế tập thể (KTTT). Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) đến Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT, tỉnh đều khẩn trương triển khai quán triệt và ban hành các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, giao Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự UBND tỉnh, các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo thực hiện nghị quyết, định kỳ hàng năm, 5 năm, 10 năm đều tiến hành sơ, tổng kết nghị quyết; sơ, tổng kết việc thực hiện Luật HTX năm 2012...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri chỉ đạo việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT tỉnh, trong đó chỉ đạo đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh, các ngành, đoàn thể những nhiệm vụ rất cụ thể như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT, thành lập Ban chỉ đạo phát triển KTTT các cấp, bố trí thêm biên chế cho Liên minh HTX tỉnh; UBND nghiên cứu cụ thể hóa các chính sách của Trung ương bằng việc ban hành Đề án phát triển KTTT giai đoạn 2015-2020, với tổng nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ gần 25 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2025 là gần 60 tỷ đồng trình HĐND tỉnh thông qua; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các HTX về đất đai, trụ sở làm việc, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyển đổi HTX theo quy định của Luật HTX, xây dựng các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, tăng nguồn quỹ quay vòng phát triển HTX, nhất là giai đoạn 2021-2025 thông qua chủ trương và quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với tổng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách đến nay là hơn 30 tỷ đồng…
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT còn được lồng ghép thực hiện trong các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, dân tộc, miền núi; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, chuyển đổi số… của tỉnh. Từ các chính sách của tỉnh, hàng năm có từ 15 đến 20 HTX được hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình, hỗ trợ chuyển đổi số, xúc tiến thương mại..., do vậy KTTT tỉnh nhà trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, toàn tỉnh có 516 HTX, 2 Liên hiệp HTX thu hút hơn 300 nghìn thành viên tham gia, thu nhập bình quân năm 2023 của HTX đạt 160 triệu đồng (tăng 3 lần so với năm 2001), thu nhập bình quân của người lao động đạt 55 triệu đồng/người/năm. Khu vực KTTT đã có những đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh, nhưng quan trọng hơn, hoạt động của các HTX đã thực sự có tác dụng thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong HTX và giữa thành viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản, lương thực, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo…
Phóng viên: Vậy, Luật HTX năm 2023 có những điểm gì mới, nổi bật và tác động như thế nào đối với hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thị Tâm: Luật HTX năm 2023 được ban hành đã hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên với quy định về mở rộng đối tượng tham gia HTX, gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn; đồng thời bổ sung yêu cầu trích lập Quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia phù hợp với đặc thù của mô hình HTX nhằm bảo đảm sự phát triển của quỹ chung không chia và tài sản chung không chia.
Luật đã mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực phát triển của HTX khi quy định về trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên cũng như đa dạng hóa hình thức huy động vốn góp của thành viên. Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX với việc bổ sung quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX; đa dạng hóa hình thức tổ chức quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành để phù hợp với quy mô, trình độ HTX.
Phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tập thể từ thấp đến cao; củng cố, nâng cao vai trò của tổ chức đại diện: đã bổ sung quy định về tổ hợp tác và các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX; quy định rõ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện nòng cốt, bảo vệ lợi ích cho tất cả tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trên phạm vi cả nước.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể: đơn giản hóa, số hóa các thủ tục về đăng ký, tổ chức lại, giải thể HTX theo hướng bổ sung quy định về xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về HTX; thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức KTTT phát triển, gồm: Phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; đất đai; thuế, phí và lệ phí; tiếp cận vốn, bảo hiểm; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp cận và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.
Phóng viên: Đưa Luật HTX năm 2023 đi vào cuộc sống là việc làm hết sức quan trọng trong thời gian tới. Công tác này được Liên minh HTX tỉnh triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thị Tâm: Đưa Luật HTX năm 2023 vào cuộc sống nói chung và vận dụng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói riêng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Liên minh HTX tỉnh. Với trách nhiệm của mình, Liên minh HTX tỉnh đã và đang triển khai một số các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch tuyên truyền Luật HTX năm 2023 sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh. Việc tuyên truyền được triển khai đồng bộ qua các hình thức: Tuyên truyền thông qua việc ký kết hợp đồng mở các chuyên mục, chuyên trang với Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của cơ quan; tuyên truyền, phổ biến thông qua các lớp tập huấn hàng năm; tuyên truyền trực tiếp tại các hội nghị thành viên, các hội nghị tư vấn thành lập mới tổ hợp tác, HTX; tuyên truyền thông qua các chương trình phối hợp hàng năm giữa Liên minh HTX tỉnh với UBND các huyện, thành phố và một số sở, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội có liên quan.
Tham mưu với Ban chỉ đạo phát triển KTTT của tỉnh chỉ đạo, phát huy vai trò các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong tỉnh triển khai tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện cho việc triển khai có hiệu quả những quy định của Luật trong thực tiễn.
Nghiên cứu hiểu rõ những quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; hiểu rõ về thực tiễn phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh để kịp thời tham mưu cho tỉnh ban hành những cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của Luật; hướng dẫn các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX thành viên triển khai có hiệu quả những cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành; phát huy vai trò là đầu mối tiếp nhận, triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến các đơn vị thành viên đảm bảo kịp thời, hiệu quả, góp phần thúc đẩy KTTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo báo Ninh Bình
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?