
Những vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp trong thực hiện
Luật đất đai đối với Hợp tác xã nông nghiệp
Hợp tác xã vẫn khó khăn trong tiếp cận với đất đai
Đất đai đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, nhất là HTX lĩnh vưc nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, nhiều HTX gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ mục đích xây dựng trụ sở, nhà xưởng và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết tháng 12/2022, tỉnh Ninh Bình có 468 HTX (trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 77% tổng số HTX); trong giai đoạn 2013-2020, chỉ có khoảng 41% số HTX được giao đất, cho thuê đất làm trụ sở, xây dựng nhà kho, cửa hàng vật tư…; Vì vậy không ít HTX hoạt động trì trệ, kém hiệu quả và đây cũng là rào cản lớn với sự phát triển của HTX.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tiếp cận đất đai của HTX khó khăn. Cụ thể, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với HTX nông nghiệp đến hết năm 2020, trong đó HTX thuê đất để sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh được giảm 50% tiền thuê đất, nhưng chỉ áp dụng đối với các dự án mới. Nghị định số 123/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 nhìn chung đã khắc phục cơ bản bất cập của các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước trước đây. Tuy nhiên, chưa có chính sách cho HTX được thuê đất công ích, trong đó đất vượt 5% được thuê lâu dài, tạo thuận lợi cho HTX nông nghiệp được thuê đất làm trụ sở và sản xuất kinh doanh (hiện chỉ quy định đối với đối tượng hộ gia đình, cá nhân)…
Chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng vào làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đối với hợp tác xã nông nghiệp; chưa có chính sách miễn, giảm hoặc hỗ trợ kinh phí chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp sử dụng vào làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đối với hợp tác xã nông nghiệp.
Tổ chức kinh tế (HTX, Liên hiệp HTX) là đối tượng không được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trừ trường hợp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận (Điều 49, dự thảo Luật). Trên thực tế việc lập phương án đất khả thi được chấp thuận là rất khó khăn đối với các HTX, đồng thời hạn mức để chuyển đổi hàng năm của các địa phương có hạn, do vậy cũng rất khó khăn để thực hiện việc tích tụ, tập trung ruộng đất để ứng dụng KHCN, cơ giới vào sản xuất hiệu quả, cần thiết có những chính sách đặc thù cho tổ chức này.
Chưa có quy định rõ ràng vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ HTX, Liên hiệp HTX thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân nên việc triển khai các dự án đầu tư của HTX sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn gặp khó khăn.
Ngoài ra, theo quy định của Luật đất đai năm 2013 và dự thảo Luật đất đại sửa đổi đều mới có ưu đãi về đất đai cho các HTX lĩnh vực nông nghiệp, còn các lĩnh vực khác chưa có, đây cũng là đối tượng cần được quan tâm.
Về vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã hiện nay.
Thực tế khẳng định HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng có đặc trưng là nông nghiệp hộ gia đình quy mô nhỏ, sản xuất phân tán. Đặc điểm này gây khó khăn cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đồng đều, làm cho chi phí giao dịch cao và gây hạn chế khả năng tiếp cận thị trường. Trong bối cảnh này, HTX nông nghiệp có thể giúp hộ quy mô nhỏ khắc phục các hạn chế này thông qua việc tham gia phát triển các chuỗi giá trị, cung cấp vật tư đầu vào, dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, phát triển HTX nông nghiệp là cần thiết để khắc phục các khó khăn của hệ thống sản xuất dựa trên hộ quy mô nhỏ, hỗ trợ hộ nông dân cạnh tranh tốt hơn trong nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, HTX còn thúc đẩy chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, quản trị chất lượng, tạo dựng, nâng cao thương hiệu nông sản, tiếp cận, phổ biến ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, hình thành các trung tâm logistics - dịch vụ nông nghiệp. HTX góp phần phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tích hợp đa giá trị. Phát triển HTX nông nghiệp ở nông thôn giúp tạo dựng quan hệ đồng đẳng, môi trường hợp tác, liên kết lành mạnh, bền vững giữa HTX với doanh nghiệp, tạo thêm cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn.
Qua đánh giá, hiện nay có khoảng 65% HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt; có khoảng gần 20% số HTX nông nghiệp thực hiện dịch vụ sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các thành viên và nông dân. Các HTX nông nghiệp bước đầu trở thành một mắt xích quan trọng trong hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Ngoài ra, với mục tiêu đem lại lợi ích tối đa cho thành viên, cộng đồng, các hợp tác xã còn tham gia cung cấp nhiều dịch vụ khác ở nông thôn như: bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, du lịch sinh thái, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, vệ asinh môi trường…
Đề xuất giải pháp tạo điều kiện về chính sách đất đai cho Hợp tác xã.
Nghiên cứu mở rộng diện tích và đối tượng giao đất
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16.6.2022 Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu: Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp, trong đó bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể thuê; ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế tập thể chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất...
Để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, hoàn thiện luật pháp, chính sách đất đai đối với HTX cần có chỉ đạo từ Trung ương đến các địa phương rà soát, hoàn thiện quy hoạch đất đai ở địa phương, bố trí quỹ đất công phục vụ phát triển kinh tế nông thôn để giao hoặc cho các HTX có nhu cầu thuê ổn định. Cần có quy định các điều kiện để HTX tiếp cận và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đầu tư bến bãi, kho tàng nhà xưởng chế biến nông sản; bổ sung các quy định về cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho HTX trong trường hợp các thành viên góp đất, góp vốn mua đất để sử dụng theo mục đích chung phục vụ cộng đồng thành viên.
Bên cạnh đó, cần xây dựng nguyên tắc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, điều kiện góp vốn, giá trị vốn góp (theo giá đất, theo sự phát triển của doanh nghiệp), cơ chế minh bạch trong hạch toán kinh doanh. Xây dựng cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hình thức nhận vốn góp bằng đất của người dân tại địa bàn khó khăn. Có chính sách khuyến khích hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất; ví dụ hỗ trợ người nghèo, người ít đất và dân tộc thiểu số khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất về khuyến nông, đào tạo nghề, tạo việc làm, phát triển kinh doanh), chi phí công chứng, định giá đất...
Cùng với đó, cần nghiên cứu bổ sung vào chính sách HTX nông nghiệp được thuê đất công ích 5% và thời hạn thuê đất từ 5 năm như hiện nay lên 20 - 30 năm/hợp đồng để HTX có kế hoạch đầu tư tài sản trên đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh và cung ứng các dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX nông nghiệp.
Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một trong những trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là “sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đối với HTX nông nghiệp”. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, cần bổ sung nội dung: “Ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế tập thể chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất”.
Linh hoạt trong chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp
Việc quy định tập trung, tích tụ đất có tác động vô cùng tích cực trong công tác quản lý và phát triển đất đai. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể nào về trình tự thủ tục hay phương án khuyến khích được sử dụng. Vì thế, khi Luật được thông qua, Chính phủ sớm quy định chi tiết về vấn đề này để có cơ sở thi hành. Dự thảo Luật cũng cần linh hoạt trong phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho những đối tượng có nhu cầu phát triển sản xuất, phát huy tốt nhất giá trị của đất.
Về hạn mức giao đất nông nghiệp, dự thảo Luật quy định hạn mức đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3ha khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2ha đối với vùng khác là mức quá thấp. Cần khảo sát, đánh giá thực tế, trên cơ sở đó xem xét mở rộng hạn mức này cũng như mở rộng đối tượng áp dụng cho các tổ chức kinh tế tập thể. Có như vậy mới khuyến khích kinh tế tập thể, bao gồm HTX, phát triển.
Lê Thị Tâm, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh,
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?