CHÀO MỪNG 95 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Thứ Sáu, 09/05/2025

Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn làm kinh tế HTX (Bài 1): Tận dụng thế mạnh nông sản địa phương

Thứ Ba, 07/03/2023

Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn làm kinh tế HTX (Bài 1): Tận dụng thế mạnh nông sản địa phương

  

Những năm gần đây, tại tỉnh vùng cao Bắc Kạn xuất hiện ngày càng nhiều phụ nữ là người dân tộc thiểu số đứng ra làm chủ HTX. Với sự quyết tâm, sáng tạo, vượt qua khó khăn, gỡ bỏ định kiến xã hội, nỗ lực vươn lên với khát khao khẳng định bản thân, những bông hoa núi rừng ấy đã tỏ rõ bản lĩnh, sự tự tin để vươn lên làm giàu chính đáng và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội.

Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên, trong khi chờ xin việc làm, chị Lý Thị Quyên, dân tộc Dao ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn tạm thời ở nhà làm nương. Trong quá trình này, chị Quyên thấy trên quê hương có nhiều sản phẩm nông nghiệp của bà con dân tộc mà không tiêu thụ được. Nhận thấy tiềm năng từ những nông sản bản địa như: măng, chuối, mật ong, năm 2015, chị Quyên đã đứng ra vận động các chị em trong xã cùng thành lập HTX Thiên Ân để sản xuất các sản phẩm này.

Vượt qua định kiến

Ngày đầu khởi nghiệp, kinh nghiệm không có lại thiếu vốn, thiếu máy móc nên sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh kém, không tạo được sức hút trên thị trường khiến HTX Thiên Ân đứng trước nhiều khó khăn. Không từ bỏ quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, năm 2019 chị Quyên và các thành viên HTX quyết định chuyển hướng phát triển thêm một số sản phẩm độc đáo hơn.

Từ những kiến thức được truyền lại, kết hợp với việc được các cấp chính quyền và Liên minh HTX và Đoàn thanh niên tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ tham dự các cuộc tập huấn của Đoàn Thanh niên, chị Quyên nhận ra dược liệu và thổ cẩm là 2 nguồn tài nguyên quý và là những bài thuốc gia truyền của phụ nữ Dao dưới chân dãy núi Phja Boóc. Vậy là chị đã nghiên cứu để sản xuất ra các sản phẩm từ lá cây, trong đó nổi bật là thuốc tắm thảo dược và các loại gối dược liệu thổ cẩm.

Theo chị Quyên, khác với các loại gối thông thường, chất liệu gối thảo dược là vải thô, vải nhuộm chàm, thổ cẩm, họa tiết văn hoa chủ yếu của người Dao, bên trong có lớp bông mềm mại và gói thảo dược có tác dụng xua tan mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ.

“Xuất phát từ vùng nguyên liệu sẵn có và các bài thuốc cổ truyền của đồng bào người Dao, chúng tôi đã tự mày mò, nghiên cứu để cố gắng làm ra sản phẩm chất lượng. Mới đầu tôi chỉ chạy số lượng ít để xem phản hồi từ khách hàng, 200 sản phẩm đầu tay bán hết nên tôi mới tự tin để bước vào kế hoạch sản xuất tiếp theo”, chị Quyên chia sẻ.

Tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc

Để phát triển sản phẩm mới, HTX mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư các loại máy cắt, sấy, đóng gói sản phẩm và mở rộng quy mô nhà xưởng. Đến nay, HTX có 3 loại thảo dược được chứng nhận OCOP 3 sao, được người tiêu dùng đón nhận với doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ đồng.

Chị Lý Thị Quyên chia sẻ, cái khó nhất của một phụ nữ dân tộc khi khởi nghiệp là phải đủ tự tin để vượt qua định kiến xã hội. Đối với một phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp gặp rất nhiều rào cản. Thứ nhất là áp lực về định kiến của xã hội, bởi vì khi bước chân vào kinh doanh thì người ta quan niệm rằng chỉ có đàn ông mới thích hợp được với công việc như thế, còn phụ nữ chân yếu tay mềm thì sẽ không thể thành công được. Thứ hai là áp lực về công việc và gia đình khiến phụ nữ chịu áp lực rất lớn.

Thấy tín hiệu tốt từ thị trường, chị Quyên đã tập hợp những người biết may vá lâu năm, nghiên cứu về mẫu mã, sử dụng chất liệu tốt để làm nên những sản phẩm phù hợp. Sau 3 tháng, HTX bán ra khoảng 600 sản phẩm gối với nhiều kiểu dáng khác nhau như: gối ngủ, gối tựa, gối cổ, gối ôm… Giá bình quân mỗi chiếc gối dao động từ 120.000 - 600.000 đồng/chiếc, tùy từng kiểu.

Những chiếc gối thảo dược rất tiện dụng, hoàn toàn có thể tháo ra giặt, phơi, đặc biệt túi thảo dược có trong lõi gối đã qua xử lý chống ẩm mốc nên chỉ cần phơi qua là tái sử dụng. Đến nay, sản phẩm gối của HTX chủ yếu bán tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa... Thời gian tới, HTX tiếp tục duy trì việc sản xuất và tìm kiếm khách hàng, nghiên cứu đa dạng mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là tại các điểm du lịch.

Giờ đây, quy mô của HTX đang dần được mở rộng, hoạt động có sự chuyển biến, bài bản hơn khi từng bước hình thành dòng sản phẩm truyền thống, riêng biệt. Các sản phẩm mà HTX làm ra đạt chuẩn về chất lượng, an toàn và hiệu quả. Với gối thảo dược không chỉ chăm sóc sức khỏe con người mà còn thân thiện với môi trường. Các loại lá cây sau khi không sử dụng nữa có thể bón cho cây trồng mà không gây hại cho môi trường.

Cùng với gối thảo dược, HTX còn cho ra đời nhiều sản phẩm khác làm từ lá cây như thuốc ngâm chân, lá tắm cho trẻ con, người già, phụ nữ sau sinh… Hiện nay HTX đã cho doanh thu hơn 1 tỉ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 15 lao động là phụ nữ dân tộc Dao với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, mô hình khởi nghiệp này còn giúp giữ gìn bản sắc văn hóa của người Dao khi các sản phẩm đặc sắc của họ được lan tỏa trong cộng đồng.

“Trong kế hoạch phát triển, HTX Thiên Ân tập trung xây dựng 10 héc ta vùng nguyên liệu. Hiện nay, chúng tôi đã được huyện Bạch Thông hỗ trợ trồng khoảng 5 héc ta cây dược liệu tại các thôn Cốc Thốc, Thủy Điện, Địa Cát. Đây sẽ là vùng nguyên liệu ổn định giúp HTX phát triển bền vững, lâu dài”, chị Quyên phấn khởi nói.

Nguyễn Phượng- Biên tập và tổng hợp

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?