HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 29/03/2024

Sứ mệnh phát triển kinh tế tập thể là giúp nông dân giàu mạnh

Thứ Sáu, 29/07/2022

GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, là người gần như dành cả cuộc đời lặn lội đến từng cánh đồng ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để tìm hiểu, trao đổi tư vấn cho người nông dân về trồng trọt, chăn nuôi.

Ông cho rằng, Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ để phát triển hơn nữa khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, làm sao để người nông dân thấy rằng mình cứ đơn độc, làm ăn nhỏ lẻ mà không vào hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, không liên kết với nhau là thiệt thòi cho chính mình.

Thưa ông, có vẻ hơi ngược khi đề cập đến thế giới trước, nhưng rõ ràng việc tham khảo kinh nghiệm thế giới để phát triển mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nước ta là rất quan trọng?

-Thực tế, để phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX, chúng ta chưa cần nhìn đâu xa xôi mà hãy nhìn vào các quốc gia trong khu vực châu Á, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, tôi đánh giá mô hình HTX của Nhật Bản là điển hình thành công nhất.

Quay trở lại lịch sử để thấy rằng nước Nhật phải trải qua sự tàn phá khốc liệt của hai trái bom nguyên tử vào thời điểm năm 1945.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 15 năm sau, người nông dân Nhật Bản đã cho cả thế giới thấy sức sống trở lại của sản phẩm Nhật, sự vươn lên đáng nể phục của người Nhật. Từ chỗ nông dân không có của cải gì hết, họ bắt đầu làm giàu, tích luỹ được tài sản. Và Luật HTX của Nhật Bản cứ thay đổi theo trình độ kinh tế của người nông dân, thành viên HTX. Đến năm 2019, theo hồ sơ lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Nhật Bản, đã có tất cả 105 lần sửa đổi các điều khoản trong Luật HTX Nông nghiệp năm 1947 (http://hourei.ndl.go.jp/).

Trong những năm đầu tiên mới thành lập HTX nông nghiệp, Chính phủ Nhật Bản xem HTX là một công cụ mà Nhà nước sử dụng để giúp cho người nông dân nghèo sớm làm giàu, cũng như thoát nghèo một cách nhanh chóng. Trong Luật không đòi hỏi nông dân phải đóng tiền hùn vốn, chỉ góp sức lực của họ để phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ. Các cấu trúc hạ tầng và vật liệu đầu vào phần lớn do Nhà nước tài trợ cho HTX.

Kết quả, người nông dân Nhật Bản khi đọc văn bản Luật HTX thì thấy rằng cái gì cũng được Nhà nước giúp, mình không vào HTX là thiệt thòi. Đơn cử, vào HTX được Nhà nước quy hoạch vùng trồng, hỗ trợ vật tư xây dựng hệ thống thủy lợi, xây dựng nhà màng, nhà lưới, máy móc để chế biến sâu, đồng thời tư vấn, xúc tiến về thị trường đầu ra.

Tham gia HTX, nông dân Nhật Bản không còn phải lo lắng quá nhiều về đầu ra mà chỉ miệt mài, cố gắng sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan nông nghiệp trong vùng, học hỏi thêm kinh nghiệm để làm ra những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã tốt. Việc sản xuất theo đúng kế hoạch của Nhà nước đã giúp sản xuất nông nghiệp của Nhật phát triển quy mô lớn, không phải phát triển tự phát theo phong trào.

Vậy còn Hàn Quốc - cường quốc về kinh tế công nghiệp nhưng nếu có dịp ghé tới các vùng nông thôn ở quốc gia này, chúng ta không khỏi bất ngờ khi thấy những biển ngữ, khẩu hiệu mang tên "hợp tác" gắn liền với phát triển HTX?

-Sau thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có chính sách Saemaul Undong, tương tự như thế về cách hỗ trợ cho khu vực HTX.

Tôi còn nhớ trong giai đoạn đương nhiệm, nguyên Tổng thống Park Chung-hee của Hàn Quốc đã có chính sách Seamoul Undong rất độc đáo là giao cho mỗi xã khoảng 355 bao (khoảng 20 tấn) xi măng, sau đó các xã được tự quyết định xem nên làm gì với khối lượng này, họ có thể làm đường nước phục vụ tưới tiêu, làm đường ở vùng sản xuất, hoặc nếu không có thể bán xi măng để lấy tiền đầu tư vào các hạ tầng còn thiếu ở vùng nông thôn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp...

Sang năm kế, xã nào làm tốt lại được thêm 25 tấn xi măng và 1 tấn thép. Đây chính là củng cố, xây dựng hạ tầng nông thôn để mỗi HTX đều phát huy được tối đa năng lực của mình trong phát triển kinh tế kinh tế nông nghiệp.

Quay trở lại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về phát triển HTX nông nghiệp trong thời gian qua?

-Thời gian qua, nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu đều phá kỷ lục cũ, năm nay dự kiến vượt 50 tỷ USD. Chúng ta cũng đón nhận những thông tin tích cực khi giá 1 tấn gạo thơm của Việt Nam có thể bán được hơn 1.000 USD/tấn ở thị trường châu Âu, 1kg vải thiều giá trên 500.000 đồng... Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đối mặt khủng hoảng lương thực, đứt gãy nguồn cung bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 hay chiến tranh, nông nghiệp Việt Nam đã làm tốt vai trò đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người dân trong nước cũng như tận dụng thời cơ xuất khẩu.

Những thành công của ngành nông nghiệp thể hiện rõ vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX. HTX giúp người nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... HTX giúp cho nông nghiệp Việt Nam giảm dần tình trạng manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang làm ăn quy mô lớn, chung sức hợp lực... Nhiều người nông dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú trên chính mảnh ruộng cha ông để lại nhờ cách làm mới, từ cây trồng thế mạnh của địa phương mình.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, phần lớn nông dân Việt Nam vẫn còn nghèo, vì tư duy sản xuất nhỏ lẻ, theo phong trào, không theo quy trình sản xuất hiện đại, sản xuất hàng hóa bán cho thương lái lúc được, lúc không. Hàng nghìn container trái cây xếp hàng dài chờ thông quan xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhiều loại trái cây, nông sản đến vụ thu hoạch vẫn phải đổ bỏ, người nông dân đau lòng khi phải chặt bỏ đi chính cây trồng của mình...

Bởi vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 20 về đổi mới và phát triển kinh tế tập thể? Ông có kỳ vọng gì sau khi Nghị quyết ra đời?

-Tôi đánh giá Nghị quyết 20 đã đưa ra được những định hướng phát triển và đổi mới cho khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới, bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới. Chúng ta có HTX nông nghiệp kiểu mới thì cũng cần phải có nông dân kiểu mới. Điều này sẽ đảm bảo doanh nghiệp (DN) liên kết có nguyên liệu nông sản đạt chuẩn quốc tế.

Việc ban hành Nghị quyết 20 cùng với việc nghiên cứu sửa đổi Luật HTX 2012 chắc chắn sẽ tạo thêm lực đẩy để khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển năng động, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Từ đó, khu vực kinh tế tập thể sẽ thu hút thêm nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình.

Vấn đề còn lại là nhanh chóng đưa sự đổi mới, quan điểm phát triển từ Nghị quyết vào cuộc sống?

-Đúng vậy, từ Nghị quyết chuyển sang hành động cụ thể, nhất là khi đối tượng là nông dân nghèo thì việc phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX không thể thiếu vai trò đòn bẩy từ những chỉ thị triển khai đi kèm với chính sách hỗ trợ thật cụ thể của Nhà nước.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản hay Hàn Quốc, tôi muốn nhấn mạnh quan điểm rằng hiện nay, phần lớn nông dân ta chưa tích lũy vốn được vốn sản xuất, nên đầu vụ phải vay vốn hoặc ghi nợ với các cửa hàng vật tư chờ đến thu hoạch phải gấp rút bán sản phẩm bằng mọi giá để có tiền trả nợ. Do đó, khi bảo họ gia nhập HTX mà phải góp vốn thì họ không thể nhiệt tình tham gia.

Vì vậy, Luật HTX 2012 sửa đổi, cũng như những chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX của chúng ta nên có điều khoản bước đầu Nhà nước có chính sách tài trợ cho HTX để khuyến khích nông dân hăng hái tham gia vào HTX, tổ hợp tác. Trong đó, khuyến khích đầu tiên là giúp vốn vay ưu đãi xây dựng hạ tầng và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ về xúc tiến thị trường, chuyển đổi cây trồng...

Nhà nước cần phải xem HTX là công cụ để Nhà nước giúp người nông dân thoát nghèo, bằng cách hướng cho nông dân sản xuất cây trồng, vật nuôi… với quy trình kỹ thuật tiên tiến, phát triển nông nghiệp xanh không phát thải khí nhà kính, liên kết với DN có đầu ra chắc chắn.

Như vậy, mỗi người nông dân sẽ thấy rằng không vào HTX sẽ là thiệt thòi lớn cho mình. Và như thế chúng ta cũng đừng xem HTX, trong giai đoạn ban đầu thành lập, như công ty cổ phần mà đòi mỗi thành viên viên phải hùn vốn. Người có vốn để hùn thì đã có Luật DN rồi. Nếu ngày nào Nhà nước còn coi HTX như một công ty, ngày đó người nông dân nghèo vẫn không tha thiết tham gia.

Sự tha thiết tham gia của HTX không chỉ là những ông bà hay bố mẹ, vốn là những người nông dân?

-Tôi cho rằng câu hỏi này rất thú vị và tôi cũng kỳ vọng Nghị quyết 20 mà Ban Chấp hành Trung ương ban hành mới đây sẽ tạo thêm làn gió mới về phong trào khởi nghiệp của những thanh niên tri thức về quê làm nông nghiệp.

Tại sao sinh viên đại học có trình độ quản trị kinh doanh, kỹ sư nông nghiệp... lại không quay trở về quê hương mà cố gắng bám trụ ở thành phố để làm việc trong công ty này, công ty kia mà không phải là HTX quê mình. Tại sao những bác nông dân, vốn am hiểu về sản xuất nhưng do không có người quản lý nên phải kiêm nhiệm những việc mà mình không chuyên, phải đi quản lý, làm kế toán, sổ sách, đàm phán hợp đồng... Điều này sẽ được giải quyết nếu những người trẻ - không đâu xa chính là con của các bác nông dân, sau khi hoàn thành chương trình cao đẳng, đại học ở thành phố muốn quay về quê để vào HTX.

Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào này, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hoạt động startup trong khu vực kinh tế tập thể, HTX. Những thanh niên đam mê khởi nghiệp nông nghiệp có thể xây dựng các dự án kêu gọi dòng vốn đầu tư, chắc chắn Nhà nước có thể hỗ trợ họ về điều này. Khi đó, những thanh niên khởi nghiệp trong khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng có điều kiện thi thố tài năng, cống hiến cho quê hương, đất nước và thay đổi tư duy về phát triển kinh tế tập thể.

HTX giàu mạnh thì đất nước sẽ giàu mạnh. Tôi muốn nhấn mạnh tới tinh thần hợp tác. Hợp tác sẽ tạo thành sức mạnh, không hợp tác chỉ mạnh ai nấy làm thì nông nghiệp mãi manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh với các nước trên thế giới. Hợp tác cũng giúp nền nông nghiệp Việt Nam sản xuất xanh, sạch và giảm khí thải nhà kính.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lê Thúy / VNbusiness

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?