HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 19/04/2024

Đừng để chỉ dẫn địa lý là 'câu chuyện dài' đối với HTX

Thứ Hai, 20/06/2022

Đăng ký chỉ dẫn địa lý giúp sản phẩm của HTX khẳng định được giá trị và “sự nổi tiếng” của sản phẩm cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc gia tăng mô hình kinh tế tập thể đăng ký chỉ dẫn địa lý cũng là điều cần thiết lúc này để tránh sự giả mạo, chiếm dụng thương hiệu nông sản đặc trưng.

Đăng ký chỉ dẫn địa lý giúp sản phẩm của HTX khẳng định được giá trị và “sự nổi tiếng” của sản phẩm cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc gia tăng mô hình kinh tế tập thể đăng ký chỉ dẫn địa lý cũng là điều cần thiết lúc này để tránh sự giả mạo, chiếm dụng thương hiệu nông sản đặc trưng.

Sản phẩm nhãn lồng của HTX nhãn Hồng Nam (Hưng Yên) sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc đã được nâng cao, giá thành tăng gấp đôi so với thị trường.

Dễ bị mạo danh

Theo thống kê, sau khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá của sản phẩm sẽ tăng từ 20 -100%. Điển hình như bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) của HTX nông nghiệp Choa có giá bán tăng 10-15% so với khi chưa đăng ký chỉ dẫn địa lý. Hay cam Cao Phong (Hòa Bình) của HTX Hà Phong, HTX 3T Farm vẫn duy trì được mức giá cao hơn từ 2-2,5 lần so với các sản phẩm cùng loại của các vùng sản xuất khác. Sản phẩm chè Tân Cương của HTX trà xanh Tân Cương (Thái Nguyên) cũng có giá bán cao hơn khoảng 2 lần từ khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý...

Có thể thấy, mỗi địa phương sẽ có những mặt hàng chủ lực khác nhau. Trong xu thế hội nhập, để góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản thì một trong những việc HTX cần quan tâm là đăng ký và phát triển chỉ dẫn địa lý. Bởi việc đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ ra nước ngoài hiện nay thường chỉ được thực hiện đối với các sản phẩm có đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Ts Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, cho biết khi hội nhập diễn ra mạnh mẽ, việc HTX bị đánh cắp và làm giả nhãn hiệu hàng hóa diễn ra khá thường xuyên tại cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Khi HTX chậm đăng ký chỉ dẫn địa lý thì cũng đồng nghĩa với việc thương hiệu sản phẩm sẽ không được bảo hộ. Do đó, nếu có xảy ra tranh chấp thương mại, bản quyền sẽ khó có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của HTX.

Cả nước có rất nhiều nông đặc sản đặc trưng có giá trị cao nhưng đến nay mới có 106 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Trên thực tế, đã có nhiều HTX gặp khó khăn khi bị làm giả chỉ dẫn địa lý. Cụ thể như HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Triều (Đồng Nai) dù đã được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi đường lá cam nhưng các thành viên đều canh cánh nỗi lo trước tình trạng nhiều người mang bưởi đường lá cam trồng ở vùng khác về địa phương để bán hoặc lấy giống trôi nổi đi nơi khác trồng và bán dưới danh nghĩa bưởi Tân Triều.

Thậm chí, đã có tình trạng mạo danh “bưởi Tân Triều” để dễ dàng đưa đi các địa phương khác tiêu thụ như TPHCM, Hà Nội…

“Đã là đặc sản có chỉ dẫn địa lý thì phải trồng ngay tại địa phương đó. Bưởi Tân Triều phải trồng ngay tại cù lao này thì mới cho trái bưởi thơm ngon, mọng nước và có vị ngon đặc trưng nhất”, ông Phan Tấn Tài, Giám đốc HTX nói.

Theo các chuyên gia, mô hình HTX cũng hoạt động gần giống như các doanh nghiệp nhỏ và và siêu nhỏ. Chính vì vậy, xét về tổng thể, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho các HTX. Tuy nhiên, trên thực tế các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập, trong đó có những khó khăn trong xây dựng, bảo vệ chỉ dẫn địa lý cho nông sản…

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (Đăk Lăk), ông Trần Đình Trọng cho biết, cà phê Buôn Ma Thuột có chất lượng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cách đây vài năm, khi mặt hàng của HTX xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, HTX đã bị một doanh nghiệp ở thị trường này đăng ký, sử dụng trước thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Do đó, để bảo vệ thương hiệu của mình, HTX buộc phải thỏa thuận mua lại thương hiệu đó từ phía doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Trước thực trạng này, Ts Trần Thị Dung cho rằng, đăng ký chỉ dẫn địa lý chính là bước đi cần thiết về mặt luật pháp để hợp thức hóa và công nhận nhãn hiệu của một loại sản phẩm, hàng hóa nào đó của HTX. Bởi theo bà Dung, nhãn hiệu hàng hóa là tài sản vô hình của HTX, khi chậm đăng ký nhãn hiệu, HTX dễ bị đánh cắp, làm giả thương hiệu, nhất là khi HTX đó có sản phẩm được ưa chuộng…

Vì sao HTX chưa mặn mà?

Nhận thấy vai trò của thương hiệu đối với sản phẩm, nhiều HTX đã lên kế hoạch, tiết kiệm tối đa nguồn kinh phí để đăng ký chỉ dẫn địa lý với mong muốn khẳng định giá trị và mở rộng đầu ra cho nông sản, đặc sản địa phương.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN, năm 2021 có 95.139 đơn đăng ký bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong đó xử lý được 85.204 đơn các loại của doanh nghiệp, HTX, hiệp hội.

Tuy nhiên, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết nhìn tổng thể, cả nước có rất nhiều nông đặc sản đặc trưng có giá trị cao nhưng đến nay mới có 106 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Điều đó cho thấy, vẫn còn HTX, doanh nghiệp chưa “mặn mà” với việc đăng ký chỉ dẫn địa lý. Trong khi, các doanh nghiệp nước ngoài lại rất quan tâm đến việc này trước khi đưa sản phẩm ra thị trường nhằm hạn chế tối đa những tranh chấp về thương hiệu.

Lý giải về việc, này ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (Hà Nội) cho biết, thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý khá lâu với nhiều thủ tục phức tạp, lại thêm chi phí nên có lẽ điều này khiến nhiều HTX “đứt gánh giữa đường” trong việc đăng ký “tên tuổi” cho sản phẩm.

Ngoài quy trình thủ tục, các chuyên gia cho rằng hiện các quy định của pháp luật về việc cấp phép quyền sử dụng chỉ dẫn địa chưa được cụ thể hóa nên nhiều địa phương sợ rơi vào tình trạng hỗ trợ HTX, doanh nghiệp đăng ký nhưng khó phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

 

HTX vú sữa Vĩnh Kim lựa chọn đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm thay vì đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Đặc biệt, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý không hề dễ dàng so với đăng ký một nhãn hiệu tập thể vì trong đơn đăng ký, HTX phải mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý, xây dựng được bản đồ khu vực địa lý... Do vậy, nhiều địa phương thường có xu hướng khuyến khích HTX chuyển sang đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận thay vì đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Chẳng hạn như HTX vú sữa Vĩnh Kim (Tiền Giang), ngay từ khi bắt tay vào sản xuất đã không tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vú sữa vốn nổi tiếng ở địa phương mà chọn đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Ngàn, Giám đốc HTX, nếu làm chỉ dẫn địa lý, HTX phải trải qua bước chứng minh mối liên hệ giữa chất lượng sản phẩm với khu vực địa lý. Để làm được điều này, HTX phải thực hiện rất nhiều các nghiên cứu sinh học hóa học. Trong khi quy định của Thông tư số 01/2007/TT BKHCN về các biểu mẫu, chỉ tiêu đánh giá, tiêu chí xác định... để chứng minh được mối quan hệ này lại không rõ ràng.

Một số HTX cho biết, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý chưa hiệu quả bởi tâm lý của nhiều người tiêu dùng vẫn còn chuộng hàng giá rẻ nên dù có chỉ dẫn địa lý thì sản phẩm vẫn rất khó cạnh tranh về giá cả so với những sản phẩm cùng loại chưa đăng ký nhãn hiệu nhưng có giá rẻ hơn.

Ông Nguyễn Quang Điện, Giám đốc HTX Tiên Châu Phố Hiến (Hưng Yên), cho biết chỉ dẫn địa lý là rất cần thiết nhưng thực tế nhãn lồng Hưng Yên được cấp chỉ dẫn địa lý có giá cao, nếu xuất số lượng lớn tại ruộng giá thấp nhất cũng khoảng 30.000 đồng nhưng vì giá cao nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị thu mua “chê” đắt. Đây cùng là nguyên nhân khiến nhiều HTX chậm làm các thủ tục về chỉ dẫn địa lý.

Nguồn VNBUSINESS, Vũ Dương tổng hợp

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?