HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Năm, 21/11/2024

Đổi mới sáng tạo thông qua phát triển các mô hình nông nghiệp đa giá trị

Thứ Sáu, 04/10/2024

        Với mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, tỉnh Ninh Bình xác định quan điểm nhất quán, xuyên suốt là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính điều hướng, dẫn dắt các ngành, lĩnh vực phát triển theo hướng xanh, bền vững. Đây cũng chính là định hướng phát triển cho ngành kinh tế nông nghiệp sinh thái đa giá trị của tỉnh.

           Mô hình ương giống và nuôi lươn đồng thương phẩm tại Công ty TNHH Thương mại & Nuôi trồng thủy sản Thành Long (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh). 

                                                                                                                     Ảnh: Minh Đường

          Xu hướng tất yếu 

           Không phải đến bây giờ nông nghiệp Ninh Bình mới bắt đầu hình thành khái niệm "nông nghiệp đa giá trị". Thời gian qua, với sự định hướng rõ ràng về 3 trụ cột kinh tế tỉnh là: nông nghiệp, công nghiệp và du lịch dịch vụ. Trong đó, du lịch có vai trò đầu tàu dẫn dắt các ngành kinh tế khác theo hướng xanh và bền vững. Đồng thời, khắc phục nhược điểm là diện tích đất canh tác không lớn, ngành nông nghiệp đã chuyển hướng sang "xuất khẩu tại chỗ" phục vụ cho du lịch với những sản phẩm đa giá trị, tạo ra giá trị cao trên cùng một đơn vị diện tích. 

           Tiêu biểu trong số đó phải kể đến cánh đồng lúa Tam Cốc, có diện tích 22ha. Hàng năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoa Lư đã chỉ đạo, hỗ trợ cho người dân sản xuất theo quy trình hữu cơ, giống đặc sản, bản địa... Cánh đồng lúa không chỉ là sản phẩm lương thực mà là câu chuyện sản phẩm du lịch, dịch vụ được đưa vào khai thác phục vụ cho khách du lịch đến tham quan, chiêm bái… 

              Từ cánh đồng lúa của người nông dân, trên nền cảnh quan vốn có, ngành Du lịch đã nâng tầm tầm trở thành "lễ hội nông nghiệp" với quy mô lớn, sản phẩm chủ đạo trong "Tuần du lịch sắc vàng Tam Cốc-Tràng An", mỗi năm thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước. Doanh thu từ cánh đồng đạt nhiều tỷ đồng/năm và trở hình thành mô hình nông nghiệp sinh thái đa giá trị tiêu biểu ở Ninh Bình. 

               Không chỉ có cánh đồng Tam Cốc, trên địa bàn tỉnh còn nhiều cánh đồng đã được người nông dân khai thác theo hướng đa giá trị như: Đầm Sen Hang Múa; các đầm Sen gắn với trải nghiệm du lịch ở Hoa Lư. Bên cạnh đó, từ năm 2018, Ninh Bình đã áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đến nay đã có hơn 4 nghìn ha lúa được sản xuất theo hướng hữu cơ; khoảng 5.000 ha nông nghiệp được sản xuất theo hướng giảm thuốc, giảm phân bón hóa học, giảm lượng giống, tăng năng suất, là tiền đề để thực hiện canh tác lúa giảm phát thải. 

                Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm qua, ngành Nông nghiệp chiếm gần 10% cơ cấu kinh tế toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 bình quân gần 3%; giá trị 1 ha canh tác đạt trên 155 triệu đồng. Toàn tỉnh đã hình thành 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp, mỗi vùng có các sản phẩm, đặc sản, cụ thể riêng theo từng lĩnh vực: Vùng đồi núi bán sơn địa; vùng ruộng trũng; vùng đô thị và ven đô; vùng đồng bằng; vùng ven biển, mỗi vùng đều có các sản phẩm chủ lực và đa dạng các sản phẩm đặc sản. Đến nay, toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP là đặc trưng, đặc hữu của các tiểu vùng. 

             Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 119/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 50/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 42%); 18/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 15,12%); có trên 542 thôn (xóm, bản) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 40% số thôn, xóm, bản toàn tỉnh). Tỉnh đã cơ bản đạt các tiêu chí để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM... 

              Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Khi những thành tựu trong nông nghiệp phát triển đến một ngưỡng nhất định thì cần phải có hướng đi mới để tái cơ cấu, tạo ra các giá trị cao hơn. Do vậy đổi mới sáng tạo đưa kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng đa giá trị là xu hướng tất yếu. Điều này hoàn toàn đã được định hướng từ Trung ương và xác định những mục tiêu, hướng đi cụ thể tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. 

              Theo đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu "Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn". 

             Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 01-CTr/TU; Kết luận số 83-KL/TU ngày 23/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2030... 

              Với những căn cứ trên đã định hướng phát triển nông nghiệp Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, an toàn, đa giá trị, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp du lịch sinh thái, cảnh quan. Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với đa giá trị. 

             Nhiều dư địa phát triển 

              Trên cơ sở dư địa từ lợi thế về điều kiện tự nhiên và hạ tầng nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cũng khái quát về những lợi thế để Ninh Bình phát triển nông nghiệp đa giá trị, đó là: Tài nguyên rừng với 28 nghìn ha. Trong đó có rừng nguyên sinh là Vườn Quốc gia Cúc Phương với 11,2 nghìn ha thuộc tỉnh Ninh Bình, khu rừng lịch sử-văn hóa Hoa Lư, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, rừng phòng hộ ven biển là tiềm năng cho sinh thái nghỉ dưỡng và trao đổi tín chỉ Cacbon; đất trồng lúa với 44 nghìn ha, 7 nghìn ha cây ăn quả, 15 nghìn ha rau màu các loại, bảo đảm về an ninh lương thực; diện tích nuôi trồng thủy sản 14 nghìn ha, trong đó, nước ngọt 10 ngàn ha, mặn lợ 4 nghìn ha. 

               Ninh Bình còn có hệ thống hạ tầng thủy lợi, nhất là thủy lợi nội đồng được đầu tư đáp ứng đa giá trị vừa phòng, chống thiên tai, phục vụ sản xuất, dân sinh… có khả năng cải tạo đáp ứng yêu cầu trồng lúa giảm phát thải. 

                Ngoài ra, Ninh Bình còn có dư địa lớn về sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú, đặc hữu như: Dê núi, cơm cháy, nem chua, mắm tép, cá rô Tổng Trường, cá Tràu tiến vua, Trà hoa vàng Cúc Phương… 

               Để hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh thì phát triển nông nghiệp đa giá trị là một thành tố hết sức quan trọng. Do vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu, đặc trưng phục vụ du lịch, các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô phù hợp với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản, OCOP có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, kết nối bền vững chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với Vùng đồng bằng Sông Hồng và Vùng Thủ đô Hà Nội. 

            Như vậy, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua phát triển các mô hình nông nghiệp đa giá trị tại tỉnh Ninh Bình là hướng đi phù hợp với xu thế của phát triển. Thực hiện được định hướng này sẽ giúp nông nghiệp Ninh Bình giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, là nền nông nghiệp sinh thái đa giá trị, góp phần quan trọng đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ.

Theo Báo Ninh Bình

 

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?