HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 29/03/2024

Phục hồi và phát triển nghề làm xì dầu, dầu lạc

Thứ Tư, 19/10/2022

Từng có giai đoạn phải giải thể do thay đổi cơ chế sản xuất, sau hơn 20 năm, sản phẩm xì dầu, dầu lạc ở xã Khánh An, huyện Yên Khánh đã phục hồi và phát triển trở lại, hứa hẹn tiềm năng lớn cho địa phương.

 

Ông Đỗ Văn Dung - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX An Thịnh Phát cùng sản phẩm xì dầu, dầu lạc Tràng An.

Năm 1968, Nhà máy chế biến thực phẩm Ninh Bình ra đời với ba sản phẩm chủ chốt: dầu lạc, xì dầu và rượu. Đây là một trong số ít nhà máy của địa phương và cả nước sản xuất xì dầu, dầu lạc lúc bấy giờ.

Sau hơn 2 thập kỷ, năm 1994, do thay đổi cơ chế hoạt động, nhà máy buộc phải giải thể trong sự tiếc nuối của tập thể cán bộ, công nhân viên. Bà Nguyễn Bích Loan, cựu kỹ sư Nhà máy không đành lòng nhìn các sản phẩm truyền thống bị lãng quên nên đã thành lập Hợp tác xã (HTX) An Thịnh Phát để khôi phục và phát triển những sản phấm ấy.

Từ nguồn nhân lực Nhà máy sau giải thể, kết hợp với quy trình sản xuất và nguyên liệu sẵn có cùng một số thay đổi để phù hợp với điều kiện mới, năm 2017, HTX An Thịnh Phát thành lập với 7 thành viên.5 năm sau, tổng số thành viên của HTX là 9 do ông Đỗ Văn Dung làm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX.

Thời gian đầu tái sản xuất, HTX tập trung khôi phục sản phẩm xì dầu mang thương hiệu xì dầu Tràng An. Nguyên liệu đầu vào như khô lạc, khô đậu tương được cung cấp từ huyện Yên Mô, Yên Khánh - nơi có diện tích gieo trồng lớn, đất đai giàu dinh dưỡng.

Sau quá trình chọn lựa tỉ mỉ, những nguyên liệu này được đưa vào chế biến trên dây truyền hiện đại kết hợp với phương pháp cổ truyền. Sản phẩm vì thế giữ được hương vị thơm ngon, đặc trưng vốn có.

"Các bước sản xuất xì dầu về cơ bản vẫn duy trì như trước nhưng áp dụng thêm máy móc để tiết kiệm sức lao động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chúng tôi tự tin sản phẩm xì dầu của HTX đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Xì dầu Tràng An giàu đạm thực vật và các chất dinh dưỡng khác đồng thời giữ được độ tươi ngon, nguyên chất của lạc, đậu tương", ông Đỗ Văn Dung tự hào chia sẻ.

 

Các sản phầm dầu lạc, xì dầu được sản xuất trên dây chuyền hiện đại nhưng vẫn giữ được các bước truyền thống.

 Thành công của xì dầu Tràng An giúp các thành viên HTX có thêm động lực, tiếp tục khôi phục sản phẩm dầu lạc vào năm 2019. Sau khi được lựa chọn kỹ càng, hạt lạc đồng đều, không bị lép, ẩm mốc và thối sẽ đưa đi hấp chín rồi ép dầu. Dầu lạc Tràng An có 85% dầu lạc và 15% dầu vừng với hương thơm đặc trưng, không bị chảy trong quá trình chiên, rán thức ăn.

Xì dầu, dầu lạc Tràng An ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Thị trường tiêu thụ không chỉ gói gọn trong tỉnh mà cả các địa phương lân cận. Ngoài kênh bán lẻ, HTX An Thịnh Phát hiện cung cấp tương cốt xì dầu cho các nhà máy thuộc 5 tỉnh như Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và Hưng Yên. Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, vẫn có hơn 41.000 lít xì dầu và gần 4.500 lít dầu lạc được bán ra, mang lại doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Nhờ sự ra đời của HTX, khoảng 20 nhân công, trong đó 10 nhân công cố định và 10 nhân công thời vụ có việc làm với thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Nông sản bà con trong tỉnh sản xuất cũng không cần lo lắng về đầu ra. 

"HTX ra đời, một mặt khôi phục nghề truyền thống của địa phương, mặt khác là kênh tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo việc làm cho người lao động", ông Dung chia sẻ.

Các thành viên của An Thịnh Phát hầu hết là cán bộ đã về hưu, họ thành lập HTX, trước khi nghĩ tới lợi nhuận, là để giữ gìn, phát triển sản phẩm truyền thống của quê hương. Cái tâm, cái tầm của những người sáng lập đã giúp sản phẩm xì dầu, dầu lạc Tràng An ngày càng vươn xa. Năm 2022, xì dầu, dầu lạc Tràng An được lãnh đạo xã Khánh An lựa chọn là sản phẩm OCOP của địa phương.

Ông Dung cho biết, thời gian tới, HTX An Thịnh Phát sẽ không ngừng nỗ lực để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm đặc trưng có thương hiệu cho Ninh Bình đồng thời  tạo ra nhiều việc làm cho lao động tại địa phương góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn.

Vũ Hùng, tổng hợp

 

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?