HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 19/04/2024

Ba "trụ cột" để phục hồi kinh tế nhanh và bền vững

Thứ Ba, 25/10/2022

Trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng đã có những bước thăng trầm. Đặc biệt, nền kinh tế đã chịu những cú sốc, những tác động chưa từng có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã quyết tâm kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời có những quyết sách sáng tạo, linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển, phục hồi kinh tế đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Đây là cơ sở quan trọng để Ninh Bình thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.

 

Mô hình sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, theo chuỗi liên kết tại HTX Kiến Thái, xã Khánh Trung (Yên Khánh). Ảnh: Anh Tuấn

Bài 1: Điểm tựa của nền kinh tế

Không nằm ngoài những thách thức chung của nền kinh tế nhưng thời gian qua, nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng, khẳng định vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. "Phi nông bất ổn", "Nông suy bách nghệ bại" có thể hiểu nôm na là nông nghiệp mà không bảo đảm thì đất nước, xã hội sẽ khó ổn định. Lời dạy của ông cha xưa giờ đây vẫn còn nguyên giá trị. 

Nhìn lại hơn 2 năm qua, trước tác động nặng về về mọi mặt của đại dịch COVID-19, vượt lên khó khăn, bằng nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt của các ngành chức năng, sự nỗ lực thích ứng của nông dân, doanh nghiệp, nông nghiệp Ninh Bình vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hai năm liên tiếp 2020 và 2021, tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,12% và 2,87%. Qua đó, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh. Một trong những kết quả nổi bật của ngành Nông nghiệp phải kể đến là tỷ lệ lúa chất lượng cao, lúa đặc sản tăng nhanh qua các năm. 

Bước sang năm 2022, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, sản xuất tiếp tục đạt được kết quả khả quan. Mặc dù diện tích lúa cả năm ước đạt 71,2 nghìn ha, giảm 534,9 ha so với năm 2021; năng suất trung bình ước đạt 61,8 tạ/ha; sản lượng lúa ước đạt 440,1 nghìn tấn, giảm 4,4 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ tăng cao, qua đó giúp doanh nghiệp, HTX, nông dân có lợi nhuận tăng khoảng 15-20% so với trước đây. 

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc HTX Liên Phương, xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) thông tin: Vụ Mùa năm 2019, trên diện tích 10 ha, chúng tôi thí điểm mô hình gieo mạ khay, cấy máy kết hợp với việc bón phân hữu cơ. Đến vụ Mùa năm nay, diện tích này đã lên tới 60 ha với 2 giống lúa chủ đạo là Hương Bình và Nếp hương. Bà con cùng cấy một giống, cùng làm theo quy trình, cùng tự quản lý nhau nên chất lượng hạt lúa được đảm bảo. Chuỗi lúa gạo của HTX được doanh nghiệp Hồng Quang "đỡ đầu", đồng hành cùng phát triển. 

Gắn bó với mô hình cấy lúa theo hướng hữu cơ từ những ngày đầu, ông Tống Văn Tụng, xóm Trong, xã Yên Nhân không giấu nổi niềm vui: Gia đình tôi có 2 mẫu lúa nhưng hiện nay các khâu sản xuất đã được cơ giới hóa hết rồi, cấy thì có máy cấy, phun thuốc thì có máy bay, đến lúc thu hoạch cũng chẳng phải phơi sấy vì doanh nghiệp thu mua tươi ngay tại bờ. Một sào lúa bán được khoảng 1,5- 1,7 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 50%. Đây là con số mơ ước của người nông dân. Điều mừng nhất là sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sẽ hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường. 

Có thể thấy, những đổi thay của mỗi người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, địa phương như câu chuyện ở xã Yên Nhân chính là những yếu tố quan trọng tạo động lực giúp ngành Nông nghiệp của tỉnh ta đứng vững trước những biến đổi lớn về thị trường, xu hướng tiêu dùng, khí hậu, thiên tai thời gian qua. 

Đến nay tổng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, đặc sản đạt 72,5%. Tỉnh đã áp dụng thành công quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ từ 10 ha (năm 2018) lên trên 1.000 ha (năm 2022) và đang tiếp tục được mở rộng ở các địa phương. Sản xuất vụ Đông đi vào thực chất với quy mô hợp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn liền với tiêu thụ, không chạy theo số lượng. Cùng với việc phát triển mạnh diện tích lúa chất lượng cao, lĩnh vực thủy sản tiếp tục là mũi nhọn của ngành Nông nghiệp. 

Hiện nay, trên địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô đã phát triển mạnh hình thức nuôi thâm canh, chuyên canh trong ao nổi với các giống nuôi truyền thống như: cá trắm cỏ, trắm đen, cá chép lai,... cho năng suất từ 7 - 15 tấn/ha/năm, doanh thu từ 300 - 800 triệu đồng/ha/năm. Đối với vùng nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ vùng ven biển huyện Kim Sơn phát triển các đối tượng nuôi có lợi thế như: tôm thẻ, tôm sú, ngao, cua xanh, đặc biệt có 35,5 ha tôm siêu thâm canh 3 vụ/năm trong nhà lưới, doanh thu đạt từ 8 - 10 tỷ đồng/ ha. Góp phần lớn trong giá trị sản xuất ngành thủy sản chính là sản xuất giống. 

Ngoài các đối tượng sản xuất chính là ngao, hàu và cua xanh, người dân đã đưa vào sản xuất thử nghiệm một số đối tượng mới như sò huyết, bước đầu đem lại hiệu quả. Ngoài việc cung cấp giống cho các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng nuôi thương phẩm, các trại còn xuất bán ổn định cho các tỉnh miền Trung để ương nuôi làm thức ăn cho tôm hùm. Hiện trên địa bàn huyện Kim Sơn đã có trên 29 trại nuôi. Trung bình hàng năm cung cấp 70 tỷ con ngao giống và 12 tỷ con hàu giống. 

Năm 2022 mặc dù vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh và tác động từ những bất ổn chính trị tại một số nước trên thế giới làm hạn chế nguồn cung ứng trên thị trường, song với quyết tâm kiểm soát tốt dịch COVID-19 đã tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung mở cửa các ngành dịch vụ, du lịch trong trạng thái bình thường mới, từ đó "kích cầu" cho các ngành sản xuất phục hồi, phát triển trong đó có thủy sản. 

Bên cạnh đó, sản xuất thủy sản 9 tháng năm 2022 phát triển trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các đối tượng nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh được duy trì ổn định tại các vùng nuôi tập trung, nhiều hộ đã ứng dụng công nghệ vi sinh để quản lý môi trường ao nuôi, nhằm nâng cao năng suất và thu nhập cho người nuôi. 

Ông Nguyễn Văn Môn, chủ doanh nghiệp tư nhân Hải Tuấn (xã Kim Hải, huyện Kim Sơn) chuyên sản xuất giống nhuyễn thể cho biết: Nhờ năng động tìm kiếm thị trường nên từ  năm 2021 đến nay, con hàu giống không chỉ xuất bán đi Quảng Ninh,  Hải Phòng mà mở rộng tiêu thụ ở các tỉnh Thanh Hóa, miền Trung, miền Nam. Nhờ vậy, giá trị, sản lượng tăng mạnh. Như trại sản xuất giống 5,5 ha của gia đình, năm nay sản xuất tới 2 vạn chùm giống hàu, thu về gần 2 tỷ đồng. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, sản lượng thủy sản tháng 9 năm 2022 ước đạt 6,1 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 9 tháng năm 2022 ước đạt 49,7 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Xác định được vai trò trụ đỡ của nền nông nghiệp, tỉnh Ninh Bình đã chú trọng thu hút các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, củng cố hạ tầng các công trình phục vụ nông nghiệp như: dự án phân lũ, chậm lũ, đê biển Bình Minh II, hàn khẩu đê Bình Minh III, đê biển Bình Minh IV; kè chắn sóng Cồn Nổi; hệ thống đê sông; đầu tư xây dựng Âu Kim Đài, các công trình đê điều, thủy lợi, trạm bơm… Những công trình trên đã phát huy hiệu quả tích cực, tăng tính chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão, hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời nâng cấp hạ tầng nông thôn, tạo thuận lợi cho nhân dân trong sản xuất và sinh hoạt. 

Nhìn nhận những kết quả đạt được, ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho rằng: Những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp trong những năm qua, đặt biệt trong 9 tháng năm 2022 đã cho thấy, ở mọi thời điểm khó khăn của nền kinh tế đất nước, nông nghiệp luôn khẳng định vai trò là nền tảng, là "trụ đỡ" an sinh, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. 

Để tiếp tục giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế và hoàn thành các mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra, trước mắt, từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp sẽ duy trì tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt từ 2,8%, cao hơn so với mức 2,5% mà tỉnh giao. Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. 

Về mục tiêu dài hạn, toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, mở rộng không gian phát triển, chuyển từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp", tìm kiếm những mô hình mới, cách tiếp cận mới. Hoàn thiện quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế ven biển, kiểm soát, khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng. 

Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Tập trung vào các lĩnh vực và sản phẩm đặc hữu có tính đột phá, hiệu quả cao gắn với phục vụ du lịch. Tăng cường cơ giới hóa, bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch để gia tăng giá trị sản phẩm. Từ đó, chuyển nền nông nghiệp từ giá trị gia tăng thấp, khai thác tài nguyên sẵn có sang giá trị gia tăng cao, đem lại thu nhập ổn định và chất lượng cuộc sống ngày càng cao cho nông dân. 

Vũ Hùng tổng hợp

 

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?