HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 29/03/2024

Phát triển ngành công nghiệp tái chế cần 'bàn tay' của khu vực HTX

Thứ Hai, 23/05/2022

Hiện nay, chất thải công nghiệp thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, còn chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi cần phải có chính sách đẩy mạnh công nghiệp tái chế trong nền kinh tế nói chung, khu vực KTTT, HTX nói riêng.

Theo Ts. Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Việt Nam nằm trong số 20 nước có lượng rác thải lớn nhất thế giới. Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới về xả rác thải rắn ra môi trường, ước tính lên tới khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Thế nhưng, Việt Nam lại là nước nhập phế liệu đứng thứ 2 trên thế giới.

Khuyến khích tái chế, tái sử dụng

Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu trung bình khoảng 10 triệu tấn phế liệu các loại. Điều này đã "đẩy đến một nghịch lý là phải nhập khẩu phế liệu về để tái chế, tái sử dụng, nhưng trong nước lại bỏ đi nguồn nguyên liệu dồi dào có thể tái chế từ rác thải, thêm vào đó là rất nhiều chi phí khác để xử lý số rác thải này.

 

Nhà nước cần khuyến khích các HTX đầu tư, xây dựng các cơ sở tái chế có công nghệ hiện đại, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã đưa ra quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm. Có nghĩa là nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải theo đúng tỷ lệ, quy cách bắt buộc.

Quy định này là giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tái chế trong nước, giảm tỷ lệ nhập khẩu phế liệu, từ đó giảm rác thải rắn ra môi trường.

Cùng quan điểm này, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tái chế và xác định đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giảm chất thải ra môi trường và là vấn đề ưu tiên trong chính sách quản lý môi trường tại Việt Nam.

Bởi việc tái chế sẽ giúp chuyển hướng khối lượng lớn chất thải ra khỏi các bãi thải, bãi chôn lấp và đường bờ biển dài hiện nay của nước ta. Đồng thời, các giải pháp tái chế phi tập trung gần với các nguồn phát sinh chất thải có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bằng cách quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên có giá trị.

Hiện nay, lượng rác ở các khu đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ đạt khoảng 60-65%, lượng rác còn lại bị ném xuống ao hồ, sông ngòi, ném bên vệ đường. Còn ở khu vực nông thôn, rác thải hầu như không được thu gom và có thể bắt gặp ở bất cứ đâu.

Trong khi đó, chất thải công nghiệp thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, còn chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm. Điều này, đòi hỏi cần phải có chính sách đẩy mạnh công nghiệp tái chế trong khu vực KTTT, HTX.

Nhiều mô hình hay trong khu vực HTX

Thực tế, trong khu vực HTX hiện có nhiều mô hình sản xuất tái chế rác thải rất hữu hiệu. Đơn cử, tại HTX Thương mại và Dịch vụ Phúc Lợi, tỉnh Thái Nguyên hiện đang thực hiện hiệu quả mô hình “Xử lý, tái chế dầu thải thành dầu đốt công nghiệp”, tổng công suất thiết kế 11.500 tấn/năm. Để xử lý, tái chế dầu thải đạt kết quả cao, nguyên liệu đầu vào được HTX phân thành 2 loại riêng biệt.

Dầu thải loại 1 được thu gom từ dầu động cơ của các nhà máy, xí nghiệp, sau đó đưa vào dây chuyền công nghệ xử lý, tái chế để thu hồi dầu gốc.

Phát triển công nghiệp tái chế như một mũi tên trúng 2 đích, vừa góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường, vừa tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

Dầu thải loại 2 được thu gom từ các gara sửa chữa ô tô rồi đưa vào dây chuyền công nghệ xử lý, tái chế và sản xuất dầu đốt công nghiệp.

Thời gian đầu, trung bình lò nấu được từ 2 - 4 tấn/mẻ và hiện nay đã tăng lên 23 tấn/mẻ, sản phẩm dầu công nghiệp thu được đạt hơn 16 tấn/mẻ, chất lượng cao, phục vụ cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, giấy, nhựa, luyện kim trên địa bàn.

Mô hình “Xử lý, tái chế dầu thải thành dầu đốt công nghiệp” được các chuyên gia đánh giá cao về hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Đây cũng là mô hình xử lý chất thải công nghiệp, tái chế dầu phế liệu thành dầu đốt công nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Với những tính năng tốt, dầu thải công nghiệp của HTX Phúc Lợi đạt lượng nhiệt cao hơn so với dầu diesel và dầu hỏa, trong khi đó, giá lại rẻ hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, HTX Thương Mại và Dịch vụ Phúc Lợi đang tiếp tục nâng cấp dây chuyền công nghệ trong sản xuất, thu hút vốn đầu tư, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Còn tại HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, trước lượng vỏ hàu của người dân sau khi thu hoạch thải ra nhiều, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, HTX đã thu gom, sử dụng công nghệ tái chế thành sản phẩm bột vỏ hàu làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và phân bón cho các loại cây trồng.

Trung bình mỗi ngày, HTX đã thu gom, xử lý trên 30 tấn vỏ hàu phế thải của người dân để tái chế thành 10 tấn bột vỏ hàu làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và phân bón. Qua đó, không chỉ góp phần xử lý lượng lớn vỏ hàu thải ra từ các cơ sở bổ hàu lấy ruột, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao giá trị kinh tế cho HTX, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Đặng Trung Hội, Giám đốc HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh, cho biết: Mục tiêu của đơn vị sẽ mở rộng nhà xưởng tận thu vỏ hàu, tái chế thành bột vỏ hàu có công suất lớn hơn gấp 2, 3 lần hiện tại. Với việc chủ động, linh hoạt trong tái chế sử dụng các loại chất thải trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm thiểu các loại chất thải ra môi trường. Từ đó hạn chế gây ô nhiễm môi trường, phục vụ đắc lực cho tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững ngành du lịch, dịch vụ.

Thực tế, số lượng các HTX hoạt động trong lĩnh vực môi trường, xử lý rác thải như hai HTX trên còn chưa nhiều. Để thúc đẩy các HTX môi trường phát triển, TS. Nguyễn Văn Tài cho rằng, trước tiên cần thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp tái chế, hình thành các khu công nghiệp tái chế, khuyến khích các HTX đầu tư, xây dựng các cơ sở tái chế có công nghệ hiện đại, phát triển kinh tế tuần hoàn. "Điều này sẽ từng bước hạn chế các cơ sở tái chế thủ công, quy mô nhỏ, gây ô nhiễm môi trường ở các làng nghề" TS Tài nói.

Trong khi đó, PGS-TS Phùng Chí Sỹ cho rằng, khái niệm “kinh tế tuần hoàn” còn rất mới mẻ đối với ngành công nghiệp của nước ta và hiện nay có rất ít các HTX áp dụng đồng thời dây chuyền sản xuất và xử lý chất thải. Điều này càng làm hạn chế sự phát triển của HTX, hậu quả là hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế. 

"Do vậy, việc đẩy mạnh áp dụng kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình kinh tế truyền thống đang tồn tại, giúp các HTX tránh lệ thuộc quá mức vào nguồn nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất, thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu thụ bền vững”, PGS-TS Phùng Chí Sỹ nói.

Nguồn VNBUSINESS, Vũ Dương tổng hợp

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?