HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Năm, 28/03/2024

Hợp tác xã thủy sản Ninh Bình: Cơ hội và thách thức

Thứ Ba, 26/04/2022

Khai thác tối đa thế mạnh sẵn có để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có hiệu quả, các hộ nông dân trong tỉnh đã liên kết, hỗ trợ giúp nhau về kỹ thuật, vốn...thông qua việc thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản.

Khai thác tối đa thế mạnh sẵn có để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có hiệu quả, các hộ nông dân trong tỉnh đã liên kết, hỗ trợ giúp nhau về kỹ thuật, vốn...thông qua việc thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản.

Ninh Bình có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành thủy sản, do vậy, trong những năm gần đây một số địa phương như Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Hoa Lư, TP Tam Điệp đã thực hiện kế hoạch chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Người dân đã dần chuyển đổi từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh cho năng suất cao.

Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như: vùng khai thác, nuôi trồng hải sản Kim Sơn, nuôi cá ruộng Nho Quan, chuyển đổi mô hình tại Gia Viễn, Yên Mô, TP Tam Điệp với 30 HTX chuyên ngành thủy sản (21 HTX nuôi trồng thủy sản nước ngọt; 7 HTX nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; 02 HTX khai thác thủy sản xa bờ), hơn 700 thành viên, tổng diện tích các HTX sản xuất khoảng trên 15.000 ha ... Các sản phẩm chủ yếu của các HTX này là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua xanh, cá bớp, ngao, cá trắm cỏ, trắm đen, cá chép, cá rô tổng trường....

Theo thống kê, diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021  đạt 14.771 ha, đạt 99,9% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó: diện tích nuôi nước mặn lợ là 3.901 ha; diện tích nuôi nước ngọt là 10.870 ha. Sản lượng thủy sản đạt 63.326 tấn, tăng 7,5% so với năm 2020 và đạt 98,5% so với kế hoạch. Trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 56.736 tấn, tăng 8,4% so với năm 2020; sản lượng khai thác đạt 6.590 tấn, tăng 0,1% so với năm 2020. Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010) đạt 1.984,7 tỷ đồng, tăng hơn 133,4 tỷ (tăng 5,32%) so với năm 2020.

Tuy nhiên, dù nhận thấy vai trò của chuỗi giá trị, các HTX đã đầu tư cho bảo quản, chế biến nhưng việc này mới chỉ mang tính nhỏ lẻ. Phần lớn thủy sản vẫn chủ yếu tiêu thụ tươi sống thông qua thương lái, các chợ đầu mối. Điều này không chỉ gây ra tình trạng vùng sản xuất ùn ứ mỗi khi đến vụ thu hoạch, trong khi người tiêu dùng ở nhiều địa phương lại không có sản phẩm sạch để mua. Đi cùng với đó là giá trị thủy sản chưa được nâng cao.

Ninh Bình đã xây dựng và phát triển được 30 HTX chuyên ngành thủy sản nhằm phát triển thế mạnh của địa phương.

Ông Phạm Trung Năm, Giám đốc HTX DVTM và nuôi trồng thủy sản Gia Tân (Ninh Bình) cho biết thủy sản chưa sơ chế hoặc chế biến có thời gian bảo quản rất ngắn, nhiều nhất là trong 24 giờ. Trong quá trình bảo quản phải đầu tư hệ thống oxy, thùng chứa… nên gia tăng thêm chi phí vận chuyển cho HTX.

Còn theo ông Đinh Văn Tính, Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Gia Minh (Ninh Bình), trong lĩnh vực thủy sản tại tỉnh hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu nên HTX phải chủ động đầu tư máy móc để chế biến các loại cá.

Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư máy móc mới chỉ ở mức đơn lẻ, phục vụ chế biến số lượng nhỏ, trong khi mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 200-300 tấn cá. Chính vì vậy mà đến 80% thủy sản của HTX phải tiêu thụ tươi.

Tình trạng của HTX Gia Minh cũng là vấn đề chung của HTX thủy sản hiện nay. Nguyên nhân chính là do các HTX thiếu vốn để mở rộng sản xuất như xây dựng nhà kho, nhà xưởng bảo quản, chế sản phẩm... Từ đó dẫn đến hạn chế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoàn thiện chuỗi giá trị, khó thu hút liên kết với doanh nghiệp. Thay vào đó, HTX đều phải tự tìm cách tiêu thụ trên thị trường, sản phẩm và mẫu mã không được đa dạng. Các sản phẩm chế biến tinh sâu, có giá trị cao chưa được chú trọng.

Cùng với khó khăn về tiếp cận tín dụng, việc tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đang được xem là điểm nghẽn trong xây dựng chuỗi giá trị.

Hiện, diện tích sản xuất thủy sản chủ yếu là đất ruộng hoặc đất thuộc quyền sở hữu của thành viên HTX. Nếu muốn đầu tư xây dựng trụ sở hay quy tụ về một vùng sản xuất lớn còn gặp trở ngại do địa phương thiếu diện đất quy mô lớn cho HTX đầu tư. Quá trình đô thị hóa khiến HTX thủy sản thiếu đất, hoạt động cầm chừng, trong khi muốn đầu tư cho chế biến thủy sản thì cần có vùng nguyên liệu sản xuất đồng bộ, ổn định.

Điều này cũng dẫn đến tình trạng tuy các địa phương đã hình thành được các HTX, các chuỗi thủy sản nhưng so với tiềm năng thế mạnh thì các mô hình này vẫn còn ít, chưa đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp.

Với mong muốn phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình sản xuất kinh doanh thủy sản, đặc biệt là có thể liên kết với các doanh nghiệp đầu tư chế biến, các HTX thủy sản hiện nay đều mong muốn được hỗ trợ tiếp cận máy móc, công nghệ hoặc nguồn vốn một cách thuận lợi.

Ông Đinh Văn Tính cho biết HTX Gia Minh mong được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ xây dựng đường điện ra khu vực nuôi trồng thủy sản và tạo điều kiện cho các hộ thành viên vay vốn ưu đãi với số lượng nhiều và thời gian dài.

“Hiện đã có doanh nghiệp đầu tư liên kết chế biến thủy sản, nhưng tiến độ còn chậm. HTX mong các cơ quan chức năng đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án thủy sản trên địa bàn huyện Gia Viễn nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc nuôi trồng và chế biến thủy sản của HTX”, Giám đốc HTX Gia Minh kiến nghị.

Thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực khai thác, chế biến và dư địa gia tăng chuỗi giá trị các ngành công nghiệp chế biến sâu, tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao từ các nguyên liệu, phụ phẩm thủy sản còn rất lớn. Vì thế, để hình thành được các liên kết vùng, cần hỗ trợ các địa phương có lợi thế về nuôi trồng chế biến thủy hải sản sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản. Việc này cần phải có sự chung tay vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể như Sở NN&PTNT, KH&CN, Công Thương, TN&MT, Tài chính, KH&ĐT…, các hội, đoàn thể như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Liên minh HTX… trong việc tư vấn, hỗ trợ phát triển khối HTX chuyên ngành thủy sản. Cụ thể là hỗ trợ thành lập mới, hỗ trợ HTX tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật, máy móc, thiết bị, nhà xưởng…

Mặt khác, các HTX cũng cần tăng cường liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX nói chung và HTX thủy sản nói riêng phát triển...

Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình để giới thiệu, nhân rộng các điển hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông sản an toàn là một kênh giúp cho việc tiêu thụ nông sản nói chung, thủy sản nói riêng được rộng mở hơn./.

Nguyễn Phượng- Văn phòng

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?