HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 29/03/2024

Thăm Hợp tác xã ứng dụng công nghệ mạ khay, máy cấy vào sản xuất nông nghiệp

Thứ Tư, 01/02/2023

Những năm gần đây, cùng với việc tích cực đưa các giống lúa mới vừa có năng suất cao, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Nhờ vậy, đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất, nâng cao đời sống cho người nông dân.

Thực hiện chuyển đổi theo luật HTX năm 2012, HTX Nông nghiệp Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh) có tổng diện tích hơn 300 ha đất cấy lúa. Việc ứng dụng mô hình mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, tích cực thực hiện chủ trương cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản của ngành nông nghiệp.

Ông Vũ Văn Quyết, Giám đốc HTX cho biết, trước đây bà con Khánh Nhạc chủ yếu canh tác sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, mật độ gieo sạ, cấy tay quá dày dễ gây ra nhiều sâu bệnh, năng suất kém. Khắc phục những hạn chế trên, năm 2018, HTX đưa vào triển khai thí điểm 2 máy cấy vào sản xuất.

Theo ông Quyết, khâu làm giá thể mạ khay giữ vai trò rất quan trọng, quyết định thắng lợi đến 80%, bởi phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật cũng như yếu tố thời tiết. Hơn nữa, kinh phí đầu tư để mua khay làm mạ vẫn ở mức cao, nên chỉ có các HTX mới đủ năng lực đảm nhiệm được.

Ông Quyết cho biết thêm, trung bình một chiếc máy cấy có thể cấy được 7-10 mẫu/ngày, tạo độ đồng đều khoảng cách giữa các hàng cố định là 30 cm và khoảng cách cây từ 12-21 cm.

Kết quả thực hiện cho thấy, cấy máy có những ưu điểm như: đảm bảo được mật độ, cây lúa đầy đủ ánh sáng, phát huy được hiệu ứng hàng biên, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, lúa cấy bằng máy sử dụng mạ trong các khay không trải qua giai đoạn nhổ mạ cấy nên hạn chế được hiện tượng đứt rễ. Vì vậy, sau khi cấy, cây lúa có khả năng bén rễ nhanh hơn, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi tốt hơn.

Bà Vũ Thị Thơm (HTX NN Hợp Tiến) đã chuyển từ cấy tay sang cấy máy cho biết: “Gia đình tôi có 1 mẫu lúa, trước đây, cứ đến vụ mùa, phải thuê người cấy trả công trung bình từ 300.000-400.000 đồng/ngày, chưa kể tiền mua giống, công chăm sóc mạ. Áp dụng mô hình này, chi phí đỡ hơn hẳn mà năng suất trung bình đạt 2,2 tạ/sào, cao hơn 20-30kg/sào so với cách làm gieo mạ, cấy tay truyền thống”.

Vụ Đông Xuân năm nay, HTX đã triển khai áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất nông nghiệp trên diện tích 150 ha với 2 giống lúa chủ đạo là Bắc thơm và ST25. Việc ứng dụng mô hình mới này không những giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất mà còn tiết kiệm lúa giống, giảm chi phí, nhân công và thời gian gieo cấy. Nhận thấy tính ưu việt của mô hình nên hiện nay, nhu cầu áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy trong bà con nông dân rất lớn. Tuy nhiên, việc nhân rộng hình thức sản xuất này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Về nguyên nhân, ông Vũ Văn Quyết cho biết, để đầu tư làm mạ khay, máy cấy cần chi phí rất lớn, chưa kể các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể làm mạ. Ngoài ra, khâu làm mạ trên khay rất quan trọng, yêu cầu làm đúng quy trình, kỹ thuật nhưng hầu hết người sử dụng máy, thiết bị đều chưa được đào tạo bài bản nên quá trình thực hiện còn lúng túng. Hơn nữa, dù đã được dồn điền, đổi thửa, song ở địa phương đồng ruộng vẫn còn manh mún, quy hoạch dàn trải, không bằng phẳng, khó điều tiết nước nên việc áp dụng đồng bộ mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa cũng gặp không ít khó khăn.

"Để tạo điều kiện mở rộng diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, HTX cần thêm sự hỗ trợ của các cấp, đưa cán bộ kỹ thuật về tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ. Đồng thời, HTX sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tăng thu nhập cho người sản xuất”, ông Vũ Văn Quyết chia sẻ.

Nguyễn Phượng- Văn Phòng

 

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?