HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 29/03/2024

Nông dân Kim Sơn mở rộng diện tích trồng dưa theo hướng an toàn

Thứ Tư, 15/06/2022

Ở vùng đất nắng gió ven biển Kim Sơn, những người nông dân đang nỗ lực tìm hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế. Trong đó, ngoài nuôi trồng thủy sản, tận dụng bờ bãi, bà con còn mở rộng sản xuất cây dưa theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, qua đó có được thu nhập tốt hơn.

Ở vùng đất nắng gió ven biển Kim Sơn, những người nông dân đang nỗ lực tìm hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế. Trong đó, ngoài nuôi trồng thủy sản, tận dụng bờ bãi, bà con còn mở rộng sản xuất cây dưa theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Nông dân xã Kim Trung, huyện Kim Sơn thu hoạch dưa lê.

Thời điểm giữa tháng 5, nông dân các xã Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông (huyện Kim Sơn) bắt đầu thu hái những lứa dưa lê, dưa bở đầu tiên. Năm nay, dưa ở đây được mùa, được giá nên bà con hết sức phấn khởi. 

Ông Phạm Văn Kiệm (xóm 3, xã Kim Trung) bộc bạch: "Gia đình có 1 mẫu bãi ngoài đê Bình Minh III năm nào tôi cũng trồng dưa. Trước kia, chưa nắm được kỹ thuật, cây hay bị úng, thối, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp, chất lượng quả kém. Nay, nhờ học hỏi được kinh nghiệm từ những cán bộ kỹ thuật, mình không dùng phân, thuốc hóa học nhiều như ngày xưa nữa. Làm cỏ bằng tay, chăm bón toàn bộ bằng phân hữu cơ đã qua xử lý vi sinh nên vườn dưa khỏe mạnh, cho ra những quả to, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Như vụ này, sản lượng dưa của gia đình có thể lên tới 6 tấn. Hiện, gia đình đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được cấp mã QR CODE cho sản phẩm. Hy vọng rằng sau khi được dán tem truy xuất nguồn gốc, dưa của chúng tôi sẽ được tiêu thụ thuận lợi với giá tốt hơn".

Kế bên bãi dưa lê của nhà ông Kiệm là gần 1 mẫu tổng hợp dưa bở, dưa lê, dưa hấu, bầu canh của gia đình chị Nguyễn Thị Hường. Theo chị Hường, ngày xưa, trên mảnh đất hiện tại gia đình trồng một số cây màu khác nhưng năng suất không cao. Mấy năm gần đây, chị mạnh dạn trồng các loại dưa, hiệu quả kinh tế hơn hẳn, vốn đầu tư ít, cách trồng đơn giản, không mất nhiều công chăm sóc, thời gian được thu hoạch nhanh.

"Dưa ở đây có thương hiệu rồi, dưa lê, dưa hấu thì ngọt đậm, dưa bở thì bở tung và tất cả đều mang dư vị mặn mòi của biển nên khách ăn rất thích. Thương lái đến mua tận vườn, chúng tôi không phải mang đi đâu bán cả. Mỗi vụ, tối thiểu gia đình tôi cũng thu về từ 150-200 triệu đồng". - chị Hường tự hào nói.

Chị Phan Thị Thanh - một thương lái thường xuyên thu mua dưa ở vùng này cho biết, chị thường tìm các vườn dưa an toàn, chăm bón theo đúng quy trình để bao mua từ đầu vụ đến cuối vụ. Có đợt cao điểm, một ngày chị mua tới 5-6 tấn dưa các loại, chủ yếu để xuất đi Hà Nội.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đinh Văn Giang, Giám đốc HTX Kim Trung thông tin: Ở đây, chủ yếu bà con tận dụng đất vườn, đất bờ đầm để trồng rau màu, trong đó có cây dưa, tổng diện tích khoảng 20 ha. Nhìn chung, các cây trồng này đang dần được xã định hướng sản xuất theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng về cây dưa, thời tiết năm nay tương đối thuận nên đạt năng suất tốt, giá bán đầu vụ hiện nay đang là 20-25 nghìn đồng/kg dưa lê, 10-12 nghìn đồng/kg dưa bở. 

Tới đây, hỗ trợ nông dân làm các bước để xác nhận thương hiệu cho sản phẩm dưa Kim Trung, giúp người tiêu dùng dễ phân biệt với các loại dưa khác trên thị trường. Đồng thời, vận động các hộ liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường và tìm đầu ra ổn định hơn.

Được biết ở huyện Kim Sơn, dưa được trồng chủ yếu ở các xã ven biển như: Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải, Kim Tân… và đây cũng là những vùng cho chất lượng dưa ngon nhất. Tổng diện tích trồng dưa toàn huyện lên tới hàng trăm héc ta. Với cách làm ngày càng bài bản, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, các sản phẩm dưa Kim Sơn đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường. 

Đây cũng là cơ sở để địa phương, ngành chức năng tiếp tục có các giải pháp về quy hoạch, quản lý, giám sát chất lượng, hướng tới việc sản xuất tập trung. Xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, qua đó, tránh được tình trạng được mùa mất giá, giúp bà con tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác.

Nguồn Báo Ninh Bình

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?