HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Bảy, 20/04/2024

Kết dính" doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển chuỗi giá trị nông sản

Thứ Hai, 11/04/2022

Với hơn 97 triệu dân, thị trường nội địa được đánh giá vô cùng tiềm năng đối với nông sản Việt. Tuy vậy, thị trường này nhiều năm qua vẫn chưa được khai thác đúng mức nguyên nhân chính là do chuỗi cung ứng, liên kết theo chuỗi giá trị quá lỏng lẻo.

Với hơn 97 triệu dân, thị trường nội địa được đánh giá vô cùng tiềm năng đối với nông sản Việt. Tuy vậy, thị trường này nhiều năm qua vẫn chưa được khai thác đúng mức nguyên nhân chính là do chuỗi cung ứng, liên kết theo chuỗi giá trị quá lỏng lẻo.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu mở ra nhiều cơ hội nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp, hợp tác xã nên có cái nhìn thấu đáo về việc phát triển thị trường nội địa. Trong đó, vấn để kết nối các tác nhân trong chuỗi giá trị để phát huy sức mạnh khơi thông thị trường nội địa là vô cùng cần thiết.

Nông sản có nguồn gốc trong nước bày bán tại siêu thị GO! Cần Thơ.

Liên kết lỏng lẻo, chưa hiệu quả

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thương mại trong nước là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt cho sản xuất trong nước phát triển theo tín hiệu thị trường. Với hệ thống phân phối truyền thống lẫn hiện đại trải dài khắp cả nước, tiềm năng phân phối và tiêu thụ nông sản Việt Nam tại thị trường nội địa vô cùng lớn. Tuy nhiên, thời gian qua do liên kết lỏng lẻo, thiếu kết nối thông tin, cung và cầu chưa gặp nhau… nên tiêu thụ nông sản tại nội địa vẫn chưa được phát huy, khai thác.

Bà Hoàng Thị Hồng Vân, Phó trưởng Phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết: "Sau gần 4 năm thực hiện Nghị định 98/2018/NÐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cả nước hình thành 2.038 chuỗi liên kết; đồng thời, huy động 293 tổ chức khoa học, 1.250 hợp tác xã, 777 tổ hợp tác, 543 doanh nghiệp và gần 200.000 hộ nông dân tham gia. Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều địa phương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 98/2018/NÐ-CP. Hiện cả nước có 30/63 tỉnh chưa ban hành kế hoạch triển khai, 12 tỉnh chưa ban hành phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết... Thực tế triển khai Nghị định 98/2018/NÐ-CP cũng cho thấy, các địa phương đang gặp cản ngại trong việc tìm kiếm tư vấn hỗ trợ phát triển liên kết; thiếu cơ chế chính sách đồng bộ để thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết; quy trình, thủ tục hướng dẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, phức tạp…

Theo ông Nguyễn Việt Hưng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thời gian qua, với chủ trương khuyến khích của Ðảng, Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và bước đầu khẳng định được hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp hiện còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. "Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu thông tin thị trường cũng như kênh kết nối thông tin với các bộ, ngành để tìm kiếm sự hỗ trợ và sự bảo vệ, đặc biệt là các thông tin về giá cả hàng hóa, thủ tục mua bán cũng như quy trình sản xuất và chất lượng yêu cầu. Và ở góc độ khác, chúng ta vẫn thiếu vắng nhiều doanh nghiệp lớn mang tính chất đầu tàu, đủ mạnh để có thể dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia vào liên kết chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trong nước cũng như quốc tế" - ông Nguyễn Việt Hưng chia sẻ.

Hợp lực khai thác tiềm năng

Từng bước khắc phục điểm nghẽn và khai thác tốt tiềm năng vốn có của thị trường nội địa, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp, hợp tác xã nên chú trọng việc nâng chất lượng sản phẩm. "Một sản phẩm hiện nay có rất nhiều nhà sản xuất làm ra. Do đó, các nhà phân phối, bán lẻ sẽ chọn lựa, chắt lọc ra nhà cung ứng nào có sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh để đưa vào hệ thống. Mặt khác, trong điều kiện khó khăn, doanh nghiệp, hợp tác xã nên tận dụng mọi hỗ trợ (cơ chế, chính sách, tổ chức, cá nhân…) để hoàn thiện sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh. Hiện nay, bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp truyền thống thì kênh online rất quan trọng, do đó các chương trình đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã cần cập nhật kỹ năng bán hàng, chào hàng, đàm phán hợp đồng trên môi trường online…" - bà Vũ Thị Hậu đề xuất.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Việt Hưng, vấn đề liên kết, hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần đặt lên hàng đầu. Chẳng hạn, sự liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng nhóm kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề là một giải pháp tốt nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của từng doanh nghiệp và cả nhóm ngành hàng khi tham gia thị trường. Bên cạnh đó, sự liên kết theo chiều dọc nhằm đảm bảo sự ổn định của cả chuỗi cung ứng từ khâu đầu vào đến đầu ra lại là một giải pháp nhằm duy trì khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường. Nói cách khác, các chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia trong các chuỗi cung ứng nông sản cần được quan tâm hơn, đặc biệt là trong việc bố trí nguồn lực thực hiện và nâng cao khả năng tiếp cận chính sách (đơn giản hóa thủ tục) cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ðể khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị nông sản tại thị trường nội địa, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh: Các doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị phân phối, tiêu thụ cần đồng hành cùng Ngành Nông nghiệp trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản, góp phần tác động xu hướng tiêu dùng nông sản nội địa thay thế các nông sản ngoại nhập. Ðồng thời, phối hợp phổ biến các tiêu chuẩn đưa hàng vào hệ thống, kênh phân phối; thông tin về nhu cầu của từng chuỗi siêu thị về chủng loại, bao gói, quy cách… để khâu chỉ đạo tổ chức sản xuất đảm bảo theo yêu cầu thị trường. Về phía hiệp hội ngành hàng cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền, vận động các thành viên tích cực tham gia các hoạt động nhằm hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực, vùng miền, nhất là sản phẩm chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Ðồng thời, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xây dựng, quảng bá và bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm nông sản; triển khai hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Vũ Hùng, tổng hợp

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?