HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 29/03/2024

Giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm của hợp tác xã

Thứ Năm, 28/04/2022

Phát triển kinh tế tập thể, HTX là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, địa phương, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của thành viên, người lao động, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần tạo sự thay đổi tích cực diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong đó có đóng góp quan trọng của các HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Phát triển kinh tế tập thể, HTX là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, địa phương, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của thành viên, người lao động, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần tạo sự thay đổi tích cực diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong đó có đóng góp quan trọng của các HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Hiện, cả nước có 27.394 HTX, trong đó có 18.146 HTX nông nghiệp hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Các HTX cung ứng cho thành viên ít nhất là 3 dịch vụ (nguyên vật liệu đầu vào, tưới tiêu, khuyến nông) và nhiều nhất với 16 dịch vụ (giống, nguyên liệu, tưới tiêu, khai thác cơ sở hạ tầng, làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…), doanh thu của các HTX từ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thành viên chiếm gần 70% tổng doanh thu của HTX. Giai đoạn 2013-2021, quy mô vốn và phạm vi hoạt động của HTX được mở rộng trong các lĩnh vực của nền kinh tế; tổng vốn điều lệ của HTX hiện đạt hơn 38 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản của HTX đạt hơn 181 nghìn tỷ đồng (tính cả hệ thống QTDND và Ngân hàng HTX thì tổng tài sản đạt 352 nghìn tỷ đồng); hình thành nhiều HTX có quy mô liên xã, huyện và đạt quy mô cấp huyện, tỉnh; hoạt động theo mô hình tập đoàn; một số thành lập doanh nghiệp của HTX. Doanh thu bình quân một HTX năm 2021 đạt 4.150 triệu đồng/HTX, lãi bình quân của một HTX đạt 279 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên HTX đạt 69 triệu đồng/năm; số lượng HTX có ứng dụng công nghệ cao sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương và sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu tăng nhanh; số lượng liên kết giữa HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp ngày càng nhiều, phát triển bền vững. Cả nước có 1.292 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một số HTX đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, áp dụng hợp lý kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất; 100% quỹ tín dụng nhân dân ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành và tác nghiệp; một số HTX sử dụng công nghệ thông tin vào tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại; có 3.219 HTX thực hiện liên kết sản xuất với tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp để sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; theo đó, HTX cung ứng dịch vụ với chi phí giảm khoảng 25%, giá bản tăng trên 10% cho thành viên góp phần tăng thu nhập, đời sống của thành viên và lao động tăng lên đáng kể, từng bước cải thiện kinh tế thành viên, góp phần giảm nghèo tại cộng đồng, địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định, một số HTX chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, năng lực nội tại còn yếu, chưa tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau và với doanh nghiệp còn hạn chế, phần lớn các HTX quy mô nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo bài bản còn hạn chế; cơ sở vật chất còn khó khăn như chính sách về đất đai để đầu tư về nhà xưởng, khu sơ chế nông sản, kho bảo quản nông sản. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Một số HTX nông nghiệp còn thụ động, phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Việc hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường, tiếp cận các nguồn vốn, giới thiệu đối tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm còn lúng túng và chưa hiệu quả.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại nhiều hơn nữa lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, các HTX cần tập trung thực hiện một số giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm như sau:

 Một là, củng cố, hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý hoạt động của HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm: Kiểm soát, theo dõi sự vận hành của từng khâu, từng mắt xích trong quy trình; thu thập thông tin, đánh giá quy trình định kỳ, đột xuất; xây dựng, nâng cấp quy trình, đánh giá hiệu quả quy trình và đàm phán với các bên trong việc áp dụng quy trình mới; lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm có tính linh hoạt cao, có dự kiến và hướng khắc phục rủi ro như giá, tín dụng, sản xuất; lập kế hoạch tài chính để xác định dòng thu, dòng chi và đáp ứng kịp thời nhu cầu tài chính cho từng hoạt động cụ thể; triển khai kế hoạch, theo dõi, giám sát nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu đề ra và phát hiện những phát sinh không phù hợp với mục tiêu. xây dựng cơ chế giám sát hoạt động sản xuất sản phẩm của các thành viên tham gia chuỗi giá trị: điều kiện sản xuất, việc thực hiện quy trình sản xuất.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX đáp ứng yêu cầu phát triển của mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm: Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tổ chức, quản lý cho giám đốc và cán bộ quản lý HTX thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt chú trọng tới nâng cao tư duy thị trường, năng lực quản trị, điều hành, năng lực đàm phán, tiếp cận thị trường, duy trì quan hệ đối tác... của ban quản lý HTX. Nâng cao kỹ năng cho các thành viên HTX thông qua tổ chức tập thường xuyên về kỹ thuật sản xuất và kỹ năng giám sát quy trình chuỗi giá trị sản phẩm. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực HTX: Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực HTX cho từng thời điểm, từng giai đoạn; Đánh giá nguồn nhân lực HTX trong quá trình làm việc.

Ba là, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất, tham gia vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị sản phẩm: Phân tích điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm, dịch vụ như: giá cả, chi phí, lãi suất, chất lượng, mẫu mã, cách bán hàng và phân phối…; xác định sản phẩm, dịch vụ dự định sẽ cung cấp, tiêu thụ; Cải tiến sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm mới; dự báo và phát triển dòng sản phẩm mới, thay đổi quy trình chuỗi giá trị sản phẩm. Mở rộng sản xuất, tham gia sâu và rộng hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm, tham gia các công đoạn bảo quản, chế biến sản phẩm để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm làm tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm vì không phải chia sẻ giá trị gia tăng với các đối tác trung gian.

Bốn là, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu của các HTX: Các HTX cần liên kết với nhau tăng cường công tác điều tra nghiên cứu nhu cầu thị trường; xây dựng chiến lược sản phẩm; liên kết với các trang thương mại điện tử có uy tín để quảng bá, tiến hành hình thức phân phối sản phẩm. Tự thiết kế kênh phân phối riêng hoặc liên kết với một số HTX, doanh nghiệp khác thiết kế kênh phân phối cho riêng nhóm; sử dụng trung gian thương mại nhưng hạn chế tối đa việc sử dụng thương lái. Chú trọng đến hoạt động thương mại điện tử, quảng cáo, xúc tiến bán hàng...; lựa chọn thị trường mục tiêu, định vị thương hiệu sản phẩm, tạo bản sắc thương hiệu cho sản phẩm.

Năm là, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào phục vụ chuỗi giá trị sản phẩm:  Huy động, bổ sung vốn bằng cách kêu gọi thành viên tăng vốn góp, huy động vốn nhàn rỗi của thành viên, kết nạp thành viên mới...; tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng với một phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi, chi tiết, cụ thể cùng sự minh bạch rõ ràng, chặt chẽ trong cơ chế quản lý tài chính của HTX. Hợp nhất, sáp nhập với các HTX cùng ngành nghề đối với những HTX yếu, kém để tăng quy mô vốn hoặc liên kết các HTX thành các liên hiệp HTX để cùng góp vốn thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp cận và tranh thủ nguồn vốn (chương trình, dự án Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ tài trợ) để đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Tìm kiếm nguồn nguyên, vật liệu đầu vào, các nhà cung ứng; phát triển liên kết chuỗi với các nhà cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào; xác định lượng nguyên, nhiên, vật liệu dự trữ; ký kết hợp đồng mua sắm nguyên, vật liệu đầu vào với các nhà cung cấp; liên kết chặt chẽ với các nhà cung ứng công nghệ, thiết bị đầu vào cho HTX trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Cùng với việc thực hiện các giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm của HTX, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của hệ thóng Liên minh Hợp tác xã Việt nam để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phát triển HTX về thông tin thị trường đầu vào, thị trường các yếu tố sản xuất và thị trường tiêu thụ, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực, tài chính, tín dụng, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu;  tiếp tục, đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị để nhân rộng./.

                                                               Vũ Hùng, tổng hợp

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?