HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 29/03/2024

Bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở HTX

Thứ Sáu, 17/06/2022

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị canh tác là vấn đề quan trọng để tạo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, cơ chế chính sách thế nào để thực sự tiếp sức cho các HTX thực hiện chuyển đổi và phát triển bền vững lại đang là một thách thức.

Trước tiên, có thể thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại một số HTX đang giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương và giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị canh tác là vấn đề quan trọng để tạo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, cơ chế chính sách thế nào để thực sự tiếp sức cho các HTX thực hiện chuyển đổi và phát triển bền vững lại đang là một thách thức.

Trước tiên, có thể thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại một số HTX đang giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương và giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều khó khăn

Nổi bật là mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lê, rau các loại tại HTX nông nghiệp Trường Xuân (Nam Định) trên diện tích 8 ha đang cho lợi nhuận cao 5-6 lần so với trồng lúa. Hay mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang) để cung cấp cho các công ty, trường học, siêu thị, chuỗi cửa hàng… tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh đang cho thu nhập 130 triệu/ha...

Theo đánh giá của ngành chức năng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đang được nhiều địa phương coi là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, quá trình thực hiện của người dân, HTX còn gặp không ít khó khăn.

Trước việc trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao, HTX nông nghiệp Chuyên Mỹ (Hà Nội) mong muốn chuyển đổi sang nuôi cá - vịt kết hợp trồng lúa. Thế nhưng khó khăn ở đây là khi các hộ xin chuyển đổi, địa phương yêu cầu phải có diện tích đất từ 2,1ha trở lên, phải xây dựng đề án có tư vấn của cơ quan chuyên môn; phải có trích lục bản đồ điện tử do hộ gia đình tự làm.

Theo ban giám đốc HTX, mỗi thành viên HTX có diện tích đất ruộng nhỏ, chỉ trung bình 0,5ha/hộ nên khó đáp ứng được yêu cầu của ngành chức năng trong quá trình xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Nhiều người dân, HTX vẫn gặp khó khăn trong xin chuyển đổi cây trồng vật nuôi.

Còn bà Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX dược liệu và nông nghiệp sạch xã Cự Nẫm (Quảng Bình) cho biết đối với diện tích lúa kém hiệu quả nếu người dân kết hợp trồng trọt với nuôi thủy sản hay chuyển sang nuôi trồng thủy sản sẽ an toàn, phân tán rủi ro khi gặp những tác động tiêu cực từ thời tiết, thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP (sau đã ban hành Nghị định 62/2019/NÐ-CP sửa đổi) người dân, HTX chỉ được chuyển đổi 20% số diện tích sang nuôi thủy sản và việc đào ao cũng không được sâu quá 1,2 m để bảo đảm thuận lợi khi khôi phục lại đất lúa khiến việc chuyển đổi khó thành hiện thực.

"Quy định diện tích đào ao nuôi trồng thủy sản như vậy là quá nhỏ, không phù hợp với nhu cầu thực tế. Nếu đã nuôi thủy sản thì phải đầu tư quy mô lớn để thuận tiện trong chăm sóc và lắp đặt máy móc. Bên cạnh đó, độ sâu không quá 1,2 m của ao cá cũng không bảo đảm cho vật nuôi phát triển", bà Giang cho biết.

Chính vì những khó khăn trên mà theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm 2021 - 2022, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả hiện nay chủ yếu chỉ thành công khi người dân, HTX chuyển sang cây trồng khác như rau màu, dược liệu… Còn việc chuyển sang nuôi trồng thủy sản vẫn ở mức thấp, nhiều tỉnh thành chưa đạt mục tiêu đề ra. Chẳng hạn như ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2020 đến nay, mới chuyển đổi thành công 1.011ha đất lúa sang nuôi trồng thủy sản.

Bước đi dài hơi

Nguyên nhân của việc chuyển đổi thấp là do Nghị định 62/2019/NÐ-CP của Chính phủ quy định khi người dân, thành viên HTX muốn chuyển đổi từ đất trồng lúa sang canh tác các loại cây trồng khác hay nuôi thủy sản thì phải làm đơn gửi lên UBND cấp xã để được giải quyết. Khi đó, UBND xã xem xét có phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương hay không sẽ cho phép người dân chuyển đổi. Nếu không có đơn mà tự ý chuyển đổi, người dân, HTX sẽ bị phạt từ 5-30 triệu tùy từng diện tích.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kế hoạch chuyển đổi sản xuất của HTX phải bảo đảm phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã. Chính vì vậy mà tùy từng xã sẽ có những quy định khác nhau về diện tích mà mỗi hộ thành viên, HTX cần đáp ứng khi chuyển đổi, nhưng phần lớn các địa phương quy định diện tích chuyển đổi khá lớn. Chẳng hạn như Hà Nội là từ 2,1ha/hộ, Hải Dương quy định là từ 5ha/vùng sản xuất…

Theo các chuyên gia, điều này ít HTX có thể đáp ứng được vì phần lớn quy mô sản xuất của HTX hiện nay còn nhỏ lẻ, phân tán. Cụ thể là theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - nông thôn, diện tích sản xuất trung bình của người dân Việt Nam chỉ đạt 0,25 ha.

Bên cạnh đó, Nghị định 62 cũng quy định người dân không được dựng, làm nhà ở, nhà trông coi, kể cả lán trại, lều tạm trên đất chuyển đổi cũng là một khó khăn không nhỏ. Bởi theo các HTX, khi sản xuất theo quy mô lớn thì dù là trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hay mô hình tổng hợp cũng rất cần có hệ thống nhà phụ trợ.

“Nếu nuôi thủy sản kết hợp nuôi vịt, HTX phải nhập thức ăn với lượng lớn mỗi lần để đáp ứng nhu cầu và hạ giá thành nhưng nếu không có nhà phụ trợ, kho chứa thì không thể nhập và bảo quản thức ăn”, ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc HTX Chuyên Mỹ cho biết.

Ths. Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương cho biết, các quy định của Nhà nước trong việc chuyển đổi đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa được thực hiện theo nguyên tắc là để quá trình chuyển đổi diễn ra từ từ, tránh tình trạng chuyển đổi tự phát, không theo quy hoạch.

Thế nhưng, vẫn còn nhiều bất cập cần phải xem xét. Chẳng hạn như việc không có quy định cụ thể về vùng sản xuất và bỏ qua nội dung xây dựng công trình mới trên đất chuyển đổi, hay việc quy định diện tích được đào ao dưới 20% tổng diện tích chuyển đổi, ao đào không sâu quá 1,2 m là yêu cầu không sát với thực tế bởi điều kiện nuôi thủy sản khác xa so với cấy lúa.

Để bảo đảm diện tích thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi cũng như phù hợp với định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết chuỗi, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng các cấp ngành cần hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thành viên HTX thực hiện dồn điền đổi thửa. Vì chỉ khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, HTX mới có thể lập đề án chuyển đổi đất lúa sang các mô hình mới theo quy định. Trong khi đó, đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất mà còn là tài sản quan trọng để HTX thế chấp vay vốn phát triển sản xuất.

Song song đó, Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục đất đai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa… để tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện một cách khác nhau hoặc không thống nhất giữa các cấp ngành tại cùng một địa phương, gây khó cho người dân, HTX.

Vũ Hùng, tổng hợp

 

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?