
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là Hợp tác xã (HTX) đã và đang lấy lại “phong độ” sau đại dịch covid-19 vừa qua. Hiện nay, nếu khảo sát trên thị trường sản phẩm hàng hóa nhất là các sản phẩm nông nghiệp, có thể thấy nhiều nhãn hàng mang nhãn hiệu của các HTX với đa dạng mẫu mã, mầu sắc bắt mắt mà chất lượng thì cũng “ngang tầm” với các sản phẩm của doanh nghiệp, được các bà nội trợ tin dùng và thị trường chấp nhận.
Ở Ninh Bình nói riêng, hiện nay toàn tỉnh có trên 460 HTX các loại hình, trong đó số HTX chuyên ngành nông sản chiếm khoảng 12%, hầu hết đều sản xuất ra hàng hóa bán trên thị trường, mặc dù chủ yếu là tiêu thụ trong tỉnh và một số sản phẩm đã vào các siêu thị, cửa hàng nông sản và nhà hàng cao cấp ở các thành phố lớn. Sản phẩm chủ yếu của tỉnh Ninh Bình có thể kể đến như nấm ăn, nấm dược liệu, dưa chuột, dưa bao tử, dưa kim hoàng hậu, na trái vụ, bưởi da xanh, bưởi diễn, dưa lê, ổi, mướp hương, bí xanh, rau cải các loại, sen củ; ngành dược liệu có tảo soắn spirulina, tinh dầu quế, tinh dầu sả chanh, tinh dầu tràm, tinh dầu bạc hà; lĩnh vực thủy sản như cá trạch sụn kho, ruốc cá, cá sơ chế, tôm sú, tôm càng xanh; lĩnh vực chăn nuôi như gà đồi sơ chế và gà thương phẩm, lợn mán và không thể thiếu đặc sản dê núi Ninh Bình…bên cạnh đó rất nhiều sản phẩm được các HTX chế biến sâu như tinh bột tảo soắn, tinh bột nghệ, cà gai leo, xà phòng, dầu gội thảo dược, bột trà răng, muối ngâm chân thảo dược, chè hoa vàng, trà hoa cúc chi, rượu ngâm đinh lăng, tinh bột sâm bố chính…đồng thời đa số các sản phẩm trên được HTX sản xuất theo hướng hữu cơ, đem lại sản phẩm sạch, an toàn, nhiều sản phẩm đã được các HTX sản xuất, sơ chế, chế biến và đưa ra thị trường và được người tiêu dùng biết đến từ lâu và trở thành hàng hóa thân thuộc.
Ninh Bình cũng như các địa phương khác vừa trải qua giai đoạn khó khăn do đại dịch covid-19 làm định trệ sản xuất, tạm ngừng lưu thông kéo dài làm cho nhiều mô hình HTX có thể nói là lao đao khi mà sản xuất đang trong thời kỳ đỉnh cao, nhiều hợp đồng đã được ký kết, thu nhập thành viên và người lao động đang ổn định. Tuy vậy, do thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền phòng dịch, cùng các công tác tham gia chống dịch hiệu quả, tỉnh Ninh Bình đã sớm mở cửa giao thương, thu hút khách du lịch đến chiêm bái, ngắm cảnh, các sản phẩm nông sản hàng hóa của các HTX cũng được dịp “khoe sắc, đua hương”. Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cùng với các sở, ngành tăng cường các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại là cơ hội để sản phẩm hàng hóa của HTX làm ra đến đâu kịp thời tiêu thụ đến đó, nhiều sản phẩm đã được ký kết lâu dài với khối lượng lớn cả trong và ngoài tỉnh.
Vừa qua, Liên minh HTX tỉnh phối hợp cùng Khối thi đua các HTX nông nghiệp và Khối thi đua các HTX Phi nông nghiệp tỉnh đi khảo sát thi đua chuẩn bị cho công tác thi đua khen thưởng năm 2022, cho thấy nhiều HTX đang rất mong muốn phát triển mạnh hơn nữa các sản phẩm của mình nhằm đem lại sản lượng lớn, theo quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng; một số HTX mong muốn được liên kết sản xuất và sẵn sàng làm cầu nối để tiêu thụ những sản phẩm cùng chủng loại nhằm tại ra thị trường ổn định và giúp nhau cùng phát triển. Như vậy có thể thấy, sau đại dịch covid-19, các HTX đã thực sự được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, rất nhiều HTX đã trở thành “trường quay” cho các cơ quan thông tấn, báo chí, là mô hình để các HTX bạn trong và ngoài tỉnh thăm quan, học hỏi; qua đó cũng đã xuất hiện các mô hình mới làm ăn có hiệu quả, khẳng định tốt vai trò phục vụ thành viên trong và ngoài HTX, một số HTX đã tạo được công ăn việc làm ổn định cho hàng chục, hàng trăm lao động có thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng/người (HTX chiếu cói xuất khẩu Đại Đồng với khoảng 400 lao động thường xuyên); với thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng/người (HTX Sinh Dược với 54 lao động thường xuyên); thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng/người (HTX may mặc Thạch Bình với 25 lao động thường xuyên là những người hết tuổi lao động, có con nhỏ, hoặc bị khuyết tật)…
Cùng với sự phát triển của các loại hình kinh tế, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX hiện nay đã và đang khẳng định vai trò và vị thế trên thị trường. Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình hiện cũng đã ban hành nhiều chính sách tích cực hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể của tỉnh phát triển như Đề án số 16/ĐA-UBND giai đoạn 2021 – 2025 với trên 64 tỷ đồng nguồn hỗ trợ và các chính sách về xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết số 32 của HĐND tỉnh mà ở đó các HTX và thành viên là đối tượng chủ yếu được hưởng thụ thông qua các mô hình về sản xuất chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng hạ tầng sản xuất kinh doanh hay chính sách vay vốn ưu đãi... Từ các nguồn hỗ trợ trên, các HTX mà nhất là các HTX mới đi vào hoạt động đã có thêm nhiều động lực, là đòn bẩy tích cực để họ vươn lên, hướng tới phát triển mạnh và bền vững./.
Đinh Thái PNV.
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?