HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thứ Sáu, 29/03/2024

Chung sức đồng lòng, khơi dậy hào khí Cố đô, hiện thực hóa khát vọng phát triển

Thứ Ba, 29/03/2022

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, vùng đất Ninh Bình có nhiều thay đổi về tên gọi. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình; danh xưng Ninh Bình có từ đây, với ý nghĩa là một vùng đất vững chãi, bình yên thể hiện ý chí quật cường, tinh thần anh dũng, quả cảm của nhân dân vùng đất này. 

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, vùng đất Ninh Bình có nhiều thay đổi về tên gọi. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình; danh xưng Ninh Bình có từ đây, với ý nghĩa là một vùng đất vững chãi, bình yên thể hiện ý chí quật cường, tinh thần anh dũng, quả cảm của nhân dân vùng đất này. 

 Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân Ninh Bình càng được kế thừa và phát huy mạnh mẽ, trở thành sức mạnh to lớn, góp phần quan trọng cùng dân tộc Việt Nam làm nên chiến thắng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Ninh Bình tích cực đấu tranh cùng nhân dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, giành nhiều chiến công hiển hách, thống nhất đất nước, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng.

 

Trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ quê hương, nhân dân Ninh Bình thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước hun đúc nên những phẩm chất, tính cách cao đẹp trở thành truyền thống quý báu. Đó là truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian khổ, chống đỡ, khắc phục hậu quả thiên tai; dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Quá trình lịch sử đấu tranh xây dựng và phát triển quê hương của nhân dân Ninh Bình đã tích tụ nên một không gian văn hóa đặc sắc. Những thành tựu rực rỡ về kiến trúc, điêu khắc; những áng thơ văn, lễ hội, ca múa, trong đó hát Chèo có từ thời Đinh, hát Ca Trù, hát Xẩm ở Yên Phong (Yên Mô), hát Văn (Phủ Đồi, Nho Quan)... còn duy trì và phát triển đến ngày nay. Nhiều danh nhân nổi tiếng như Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu, Ninh Tốn, Vũ Duy Thanh, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật và các vị khoa bảng, nhà văn hóa, nhà khoa học đương đại được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Mỗi ngọn núi, con sông trên đất Ninh Bình đều là những địa danh ghi lại những dấu tích về văn hóa, lịch sử trong tiến trình thích ứng với thiên nhiên, chống thù trong, giặc ngoài để đứng vững và phát triển. Mỗi tên đất, tên làng đều thể hiện khát vọng về một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc bền vững của nhân dân trên mảnh đất Ninh Bình. Đó là nền tảng, là tiền đề quan trọng cho quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh Ninh Bình.

Ngày 01/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII. Nhìn lại chặng đường 30 năm từ khi tái lập cùng rất nhiều khó khăn, thách thức do ở xuất phát điểm thấp, song với tinh thần "Đổi mới và tiến lên", Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các nhiệm kỳ đã vận dụng nhạy bén, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cụ thể hóa thành những chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa gắn với đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh đã có các chủ trương, biện pháp cụ thể, chỉ đạo quyết liệt; xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, các khu, điểm du lịch. Cùng với đó là tìm gọi đối tác, huy động vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng, có các cơ chế, chính sách ưu đãi… thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư sản xuất, đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh, giải quyết tốt việc làm cho người lao động, nhất là lao động từ nông nghiệp, nông thôn chuyển sang làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ với thu nhập cao hơn. 

Trong quá trình phát triển, tiềm năng du lịch của tỉnh đã sớm được nhận diện. Năm 2009, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 15 về "Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", là tiền đề để tạo bước phát triển mới, đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (năm 2010) quyết định "đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ tăng tốc". Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, đưa du lịch Ninh Bình phát triển lên một tầm cao mới. Đây cũng là dấu mốc quan trọng để đến năm 2015, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI quyết định "chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch" và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước. 

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh nhà 30 năm qua có thể khẳng định, Ninh Bình đã thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch. Năm 1992, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 15,4%, đến nay đã tăng lên 47,2%; dịch vụ từ 21,7% lên 41,3%; nông lâm, nghiệp, thủy sản từ 63% còn 11,5%. Thu ngân sách cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 1992, tổng thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ đạt 40 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 22.094 tỷ đồng. Ninh Bình trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách từ năm 2022. 

Từ một tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng khó khăn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều thiếu thốn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh bạn; sự đồng lòng, sáng tạo, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ trên một số lĩnh vực. GRDP bình quân đầu người hiện nay đạt 71,5 triệu đồng, tăng bình quân 17,9%/năm. Phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đạt nhiều kết quả nổi bật và đi vào chiều sâu; toàn tỉnh có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 98,3%), có 5 huyện, thành phố được công nhận chuẩn nông thôn mới. 

Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Năm học 2020-2021 là năm thứ 5 liên tiếp  tỉnh Ninh Bình xếp thứ 3 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông; công tác y tế được quan tâm đầu tư, nhiều kỹ thuật cao trong khám, điều trị bệnh được đưa vào áp dụng tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện; công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người nghèo, người có công; theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện nay là 3,07%, hộ cận nghèo 3,48% (Năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 20%). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt đô thị và nông thôn của tỉnh có nhiều thay đổi theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Công tác quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tốt.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát; dân vận; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tập trung triển khai nghiêm túc, đạt kết quả tích cực. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến; chú trọng xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới; khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương-giáo tiếp tục được củng cố, tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên. 

Đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trong 2 năm qua là phép thử để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình thể hiện rõ bản lĩnh, truyền thống quật cường của con người vùng đất Cố đô, tinh thần đoàn kết, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Lửa thử vàng gian nan thử sức, trong khó khăn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh vừa quyết liệt, vừa đổi mới và sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, chủ động trong chỉ đạo điều hành để từng bước đưa địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; duy trì tốc độ tăng trưởng 5,71% trong năm 2021. Triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 diện rộng, Ninh Bình là một trong những tỉnh sớm tiêm bao phủ vắc-xin cho toàn bộ người dân từ đủ 18 tuổi trở lên. Hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 85% và dự kiến đến ngày 20/3/2022 sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện tốt, nhất là với những người yếu thế, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Những thành quả, "trái ngọt" đó không phải tự nhiên có được mà là kết quả của sự ươm trồng và vun đắp, sự cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đó là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của người dân Cố đô. 

Ninh Bình đang bước vào một chặng đường phát triển mới với mục tiêu xuyên suốt được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là: Trở thành tỉnh phát triển trung bình khá vào năm 2025, tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng vào năm 2030 và trở thành trung tâm du lịch của Quốc gia trước năm 2030. Hiện thực hóa khát vọng phát triển, tỉnh ta đã về đích trước 3 năm đối với mục tiêu trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách. Tuy nhiên, để trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng đòi hỏi phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, tư duy đột phá; trước mắt thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm: 

Thứ nhất, tiếp tục giữ gìn, nâng niu, trân trọng, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; quán triệt nghiêm túc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nỗ lực phấn đấu, biến thách thức thành cơ hội, chuyển khó khăn thành ý chí và quyết tâm hành động. Làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng; đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, xuyên suốt của Đảng trong mọi lĩnh vực; đề cao vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đi đôi với cơ chế bảo vệ cán bộ theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị ban hành tháng 9 năm 2021. Tập trung, chú trọng xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động với đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên". 

Thứ hai, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại trên cơ sở cơ cấu lại ngành công nghiệp; chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, triển khai các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn. Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hình thức sản xuất tiên tiến gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; từng bước phát triển vùng kinh tế ven biển. Phát triển mạnh ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thực hiện liên kết vùng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên du lịch. Chú trọng các giải pháp để tổ chức sản xuất cho nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thích ứng an toàn linh hoạt với dịch Covid-19, tăng tính bền vững trong thu ngân sách, tạo đà vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo khi tỉnh tự cân đối ngân sách.

Thứ ba, phát triển kinh tế phải đi đôi với coi trọng, phát triển hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội; đặc biệt chú trọng nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Ninh Bình nói riêng cũng như nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung theo đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn".

Ninh Bình là một tỉnh đa dạng về văn hóa, có nhiều vi mạch quý cho bảng mạch văn hóa đa sắc màu của Việt Nam; nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, đã kết tinh thành hệ thống di sản vật thể và phi vật thể, là nguồn lực quý giá cho phát triển du lịch của cả nước; tiến tới xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm bảo tồn, trình diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống gắn kết với phát triển du lịch. Phát huy tốt hơn nữa vốn con người, đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài, khơi dậy khát vọng vươn lên của con người Cố đô. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quan tâm phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho nhân dân từ cơ sở.

Thứ tư, thường xuyên chăm lo, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng công tác nắm, dự báo, đánh giá đúng tình hình, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vấn đề ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, an ninh nông thôn ngay từ cơ sở; phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Quan tâm giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn, thư khiếu nại, tố cáo; không để phát sinh khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người, vượt cấp.

 

Thứ năm, đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các việc theo chuyên đề, tập trung vào những quyết sách chiến lược, bài bản, khoa học, tổng thể, liên thông và đảm bảo tính khả thi cao; ban hành các nghị quyết, chỉ thị, cơ chế chính sách phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đi kèm với việc đảm bảo nguồn lực. Trong tổ chức thực hiện phải nỗ lực, cố gắng, quyết liệt, sáng tạo, nhất là đối với các việc mới và khó; dám nhìn thẳng vào khuyết điểm, hạn chế. Rà soát tháo gỡ những "điểm nghẽn" về cơ chế chính sách. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); hoàn thành các quy hoạch dài hạn cấp tỉnh, cấp huyện mà trước mắt là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển. 

Tự hào về danh xưng Ninh Bình 200 năm tuổi, những thành tựu 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển sẽ là nền tảng, là động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đoàn kết, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, hiện thực hóa khát vọng phát triển Ninh Bình nhanh và bền vững.

Trân trọng thành quả của các thế hệ đi trước, tiếp nối truyền thống cách mạng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ, nắm bắt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thi đua yêu nước, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực, tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?